Hàng chục quan chức nhiễm bệnh, Iran lúng túng trước dịch Covid-19?

Thứ tư, 04/03/2020, 06:39 AM

Quốc hội Iran ngày 3/3 cho biết, số lượng đại biểu bị nhiễm dịch Covid-19 đã tăng lên 23 nghị sĩ. Những người này đã bị nhiễm do tiếp xúc với một nghị sĩ ở thành phố Qom trong cuộc họp Quốc hội trước đó.

Người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp Iran Pirhossein Kolivand. Ảnh: IRNA

Người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp Iran Pirhossein Kolivand. Ảnh: IRNA

Đáng chú ý, người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp Pir Hossein Kolivand đã nhiễm dịch Covid-19. Một thành viên của Cơ quan khẩn cấp ở nước này là Muhammad Mir Mohammadi cũng đã chết do nhiễm SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Mẹ của bệnh nhân Muhammad Mir Mohammadi đã chết trước đó một ngày trong bệnh viện ở Qom cũng vì Covid-19.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Iran, Ali Reza Raeesi cho biết tính tới ngày 3/3 số ca mắc dịch Covid-19 ở nước này đã tăng lên 2.336 trường hợp, trong đó có hơn 835 ca nhiễm mới và 77 người đã tử vong. Các thành phố như Gilan, Qom và thủ đô Tehran đứng đầu danh sách có số người bị nhiễm.

Kể từ khi virus corona chính thức viếng thăm thành phố thiêng Qom vào ngày 19/2, có khả năng xuất phát từ một thương gia Iran thường xuyên giao dịch ở Trung Quốc, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ và dịch vụ y tế suy yếu và sự thiếu tin tưởng vào chính quyền đã biến Iran thành quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất từ dịch virus corona.

Nhiều người Iran nỗ lực thích nghi với cuộc khủng hoảng bủa vây nhưng vẫn không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngại về sự ứng phó của giới chức trách.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom nói rằng ông không thấy bằng chứng nào cho thấy Iran đang che giấu quy mô của dịch bệnh ở nước này. Thế nhưng, nhiều người không tán thành điều đó. Về phần mình, chính phủ Iran cáo buộc Saudi Arabia và truyền thông phương Tây tìm cách chống phá nước này.

Đội khử trùng làm việc ở Mashhad, Iran. Ảnh: Reuters.

Đội khử trùng làm việc ở Mashhad, Iran. Ảnh: Reuters.

Bộ Y tế Iran chỉ ra những biện pháp khắc phục đã được thực hiện. Các đội y tế đã chốt ở rìa thành phố để ngăn chặn du khách nhiễm bệnh gây lây lan bừa bãi. Hơn 1.000 trạm xét nghiệm đang được thiết lập. Hoạt động sản xuất khẩu trang phẫu thuật và chất tẩy rửa đã được đẩy mạnh. Thiết bị từ Trung Quốc và châu Âu đang trên đường đổ về Iran. Có tới 300.000 tình nguyện viên đang được đào tạo để đi đến từng nhà kiểm tra các trường hợp chưa bị phát hiện.

Các cánh khác của chính phủ cũng vào cuộc. Các giáo sĩ đe dọa những khoản phạt đối với bất cứ ai gây lây lan dịch bệnh. Cơ quan tư pháp hôm 3/3 cảnh báo rằng những người tích trữ thiết bị y tế phải đối mặt với án tử hình. Thậm chí, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã xuống đường, sử dụng vòi rồng để phun thuốc khử trùng, và cho biết họ đang mở các bệnh viện dã chiến.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi ngại rằng dịch vụ công cộng của Iran bị quá tải và chính quyền phản ứng chậm, đặc biệt là không cách ly các thành phố bị ảnh hưởng mạnh nhất. Nhiều người đi du lịch đến Qom đã chia sẻ video những người hành hương liếm những cửa sổ lưới quanh lăng mộ thiêng.

Dẫn nguồn tin bệnh viện tuần trước, BBC tiếng Ba Tư, đã đưa tin hơn 200 người tử vong vì virus corona ở Iran. Tuy nhiên, chính quyền Iran lập tức bác bỏ thông tin này, đồng thời cảnh báo về sự xấu xa của truyền thông nước ngoài.

Theo Guardian, bác sĩ phẫu thuật Behrouz Kalidari, ở Isfahan - miền Trung Iran, cảnh báo rằng có tới 12.000 người có thể đã nhiễm virus ở nước này mà không hay biết. Ông cho rằng nếu các biện pháp không được thắt chặt, cả nước phải đối mặt với một thảm họa quốc gia.

Dấu hiệu căng thẳng cũng đã xuất hiện ở nội bộ chính quyền. Bộ trưởng Y tế, ông Saeed Namaki, cảm thấy thôi thúc phải viết thư cho Tổng thống Hassan Rouhani, sau 10 ngày chống chọi với dịch bệnh, để nói rằng chỉ có 1 triệu chiếc khẩu trang được cung cấp, và các quan chức đã phải xoay xở ở chợ đen để mua khẩu trang với giá cao gấp năm lần. Ông viết thêm một lần nữa để phàn nàn rằng những kẻ đầu cơ đã tích trữ khẩu trang để trục lợi.

Kế hoạch đưa 300.000 tình nguyện viên đến gõ cửa từng nhà cũng nhận được những phản ứng trái chiều. Hadi Ansari, một bác sĩ phẫu thuật và là thành viên của Viện Khoa học Y khoa Iran, cho rằng các đội tình nguyện di chuyển từ nhà này sang nhà khác để tìm kiếm người nhiễm bệnh cũng có khả năng gây lây lan. Ông chỉ ra găng tay mới sẽ cần thiết cho mỗi lần ghé thăm mỗi nhà.