Hiến tạng cứu người: Những câu chuyện cổ tích đời thực

Chủ nhật, 26/01/2020, 18:55 PM

Nếu như năm 2014 chỉ có khoảng 200 người đăng ký hiến tạng và phần lớn là những người của trung tâm thì đến nay, đã có gần 30.000 người đăng ký và hơn 4.000 người được hồi sinh nhờ ghép tạng.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh là người đã đăng ký hiến tạng và giúp đỡ nhiều trường hợp kém may mắn có kinh phí điều trị bệnh.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh là người đã đăng ký hiến tạng và giúp đỡ nhiều trường hợp kém may mắn có kinh phí điều trị bệnh.

Một trái tim rời cơ thể vượt hàng ngàn cây số để kịp hòa nhịp trong một cơ thể khác, đôi mắt tối đen bỗng được nhìn thấy lại cả bầu trời xanh, và 1 lá gan có khi làm hồi sinh được 2 người ốm yếu… Những chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích ấy giờ đây hiện hữu ở ngay quanh chúng ta, nhiều cuộc đời được tái sinh từ phần cơ thể của người vừa rời bỏ cõi trần.

Có thể thấy năm 2019 chưa bao giờ công tác hiến tạng và nhận tạng lại diễn ra nhiều đến thế. Tinh thần hiến mô tạng sau khi chết não đang tác động mạnh mẽ tới cộng đồng, ngọn lửa ấy đã và đang bùng cháy với sức lan tỏa rộng khắp tới mọi miền Tổ quốc, mọi tầng lớp và tổ chức tôn giáo.

Căn phòng nhỏ tiếp đón người đến đăng ký hiến mô, tạng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia liên tục có người tìm đến.

Có mặt tại căn phòng nhỏ từ rất sớm, chị Hoàng Phương Linh ở phường Phương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, ông bà nội của chị là người đã được ghép giác mạc. Vì thế, các thành viên trong gia đình rất hiểu về nghĩa cử hiến tạng cứu người. Đặc biệt, sau câu chuyện của bé Hải An, chồng chị đã đi đăng ký hiến tạng, con trai chị cũng muốn theo mẹ đến đăng ký.

Chi Linh cho biết: "Nếu khi chết, các bộ phận của mình còn tốt thì tại sao lại không cho người người khác đang rất cần? Hành động ấy nó cũng giáo dục cho trẻ con rất nhiều vè lòng nhân ái, về việc trao đi những điều tốt đẹp. Và chính việc mình đăng ký hiến tạng là mình cũng nghĩ đến cả tương lai của con mình. Biết đâu, một thời điểm nào đó con củ‘a mình cũng sẽ cần..."

Đi cùng chị Hoàng Phương Linh là chị Nguyễn Huyền Trang ở quận Đống Đa, Hà Nội. Với suy nghĩ đơn giản, giúp được ai việc gì dù nhỏ cũng là rất tốt, chị Trang đã tìm hiểu khá nhiều về hiến tạng và quyết định, đặt bút ký vào lá đơn hiến tạng cứu người.

"Mình có nghe được một câu chuyện về một người sau khi chết não đã hiến toàn bộ những gì có thể để gieo lại sự sống cho người khác. Sau đó, người mẹ đã mời pháp sư về hồi hướng cho bạn ấy, thì thầy nói không cần nữa, vì việc làm của bạn ấy quá cao đẹp, bạn tự khắc được lên thiên đàng.

Mình thực sự ấn tượng và mẹ mình cũng ủng hộ, bảo là cho người ta thì như làm phúc, chứ hỏa táng thì cũng là tro thôi mà. Sắp tới bố mẹ và chồng mình cũng sẽ đi hiến tạng", chị Trang kể

Sau khi nhận được tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng, gương mặt của hai người phụ nữ ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc vì đã làm được một việc ý nghĩa. 

Trong căn phòng tiếp nhận người hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia luôn có một cuốn sổ tay ghi cảm tưởng của người sau khi hiến tạng. 

Trong căn phòng tiếp nhận người hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia luôn có một cuốn sổ tay ghi cảm tưởng của người sau khi hiến tạng. 

Hiến tạng cứu người là nghĩa cử cao đẹp giúp thắp lên những ngọn đèn sắp tắt, dẫu biết là vậy nhưng hiến tạng của những người thân vẫn luôn là điều khó khăn với người ở lại. Đặc biệt đối với người làm mẹ.

Bởi đối với bất kỳ người phụ nữ nào, đứa con chính là núm ruột, được họ yêu thương như sinh mạng. Vậy mà trong lúc nỗi đau quặn thắt như có ai bóp nghẹt trái tim, đã có những bà mẹ quyết định hiến tặng các bộ phận cơ thể của con mình để gieo lại sự sống cho cuộc đời.

Bà Cấn Thị Ngần ở huyện Quốc Oai, Hà Nội là một trong những người như vậy. Việc làm của bà đã giúp 6 người bệnh được hồi sinh, bà kể lại: "Con tôi đang yên đang lành như thế mà dứt hết quả tim, dứt hết các bộ phận trong người ra thì đau xót. Tôi cũng suy nghĩ: nếu thiêu đi thì thành tro bụi mà chôn xuống thì thối nát. Tôi mới quyết định, hiến tạng con để cứu người làm phúc cho con cháu về sau".

Sau khi hiến tạng của người con trai chết não, bà Ngần cũng đến Trung tâm điều phối quốc gia về mô tạng để đăng ký hiến tạng mô tạng. Rất nhiều người mẹ, người cha, người vợ, người con cũng đã nén đau thương khi có người thân chết não để mang lại sự hồi sinh cho người người xa lạ.  

Nếu như năm 2014 chỉ có khoảng 200 người đăng ký hiến tạng và phần lớn là những người của trung tâm thì đến nay, đã có gần 30.000 người đăng ký và hơn 4.000 người được hồi sinh nhờ ghép tạng.

Từ những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu y tế, tâm huyết của các y bác sĩ, những ca ghép tạng đã mang lại sự sống nhiều người bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt khi số lượng người đăng ký và tìm hiểu về hiến tặng mô tạng tự nguyện đang tiếp tục tăng lên, sự đồng hành của các chức sắc tôn giáo, các hãng hàng không, hành trình của những bác sĩ cùng các bệnh nhân sẽ không còn đơn độc.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về mô tạng cơ thể người.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về mô tạng cơ thể người.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về mô tạng cơ thể người bày tỏ: Quả thực đang có những câu chuyện vô cùng tuyệt vời. Có những chuyến bay xuyên Việt đem đến sự hồi sinh cho các bệnh nhân suy mô tạng. Vietnam airlines là đơn vị chắp cánh những ước mơ đem lại sự sống cho người bệnh.

Cán bộ nhân viên ở đây cũng luôn sẵn sàng làm việc xuyên đêm và tất cả mọi người đều có tâm trạng hạnh phúc. Đặc biệt có nhà sư đã hiến tạng một phần cơ thể ngay khi còn sống để cứu người. Có những ngôi chùa chúng tôi phối hợp tuyên truyền đăng ký hiến tặng mô tạng đã nhận 600-700 lá đơn đăng ký trong một ngày".

Những câu chuyện cổ tích đời thường cứ tiếp nối mãi. Những con người dung dị với ngọn lửa nhân ái, tinh thần sẻ chia đáng trân trọng đến một ngày khi về cát bụi vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.

Mới đây, bệnh nhân thứ hai được ghép phổi từ người chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hoàn toàn bình phục. Đây là dấu ấn đặc biệt của y tế Việt Nam, vì là ca ghép phổi hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam thực hiện. Đặc biệt là, dù đã có một số ca ghép phổi từ người chết não ở một số bệnh viện thành công về mặt kỹ thuật, nhưng đây là bệnh nhân đầu tiên được xuất viện.

Sau 7 tuần điều trị tích cực, cuộc sống của anh Ngô Văn Khương 38 tuổi, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bước sang một trang khác. Trước lúc ghép phổi, anh chỉ có 41,5kg, hiện anh đã tăng được 6kg lên 47,5kg. Việc ăn uống, sinh hoạt và thở không còn khó khăn như trước.

Ghép tạng là 1 trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam để cứu sống người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ song đến nay các bác sĩ với những “đôi tay vàng” đã hoàn toàn làm chủ được tất cả các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về mô tạng cơ thể người - một trong những “đôi bàn tay vàng ấy vẫn còn nhiều trăn trở: Điều mong muốn nhất của tôi ở thời điểm này vẫn là có nhiều hơn nữa người đăng ký hiến mô tạng, và đã đăng ký rồi chẳng may chết não thì hãy cho tạng. Để làm được điều đó cần có thời gian và có sự đồng lòng của toàn xã hội.

Đặc biệt khó khăn nhất bây giờ là danh sách chờ ghép quốc gia, tôi sẽ cố gắng từ nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu ở từng xã, từng huyện, từng tỉnh rồi tổng hợp số liệu chính thức hiện tại số ngời cần ghép gan, ghép tim, ghép thận... để có hướng cho ngành và xây dựng mô hình bệnh tật.

Tiếp đó tôi cũng mong các bệnh viện sẽ có hội đồng chết não vì hiện tại chỉ có một số trung tâm mới có. Hội đồng chết não tại các bệnh viện sẽ tổng hợp số liệu hàng ngày. Và khi con số chờ ghép hàng ngày đặt song song với số người chết não nhưng không hiến tạng được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai con số ấy khi người dân đọc được họ sẽ hiểu. 

Phép lạ để hồi sinh người bệnh đến từ bàn tay phẫu thuật điêu luyện và những nghiên cứu miệt mài của các bác sĩ, và cổ tích thật sự để những trái tim, lá gan, quả thận, đôi mắt có thể sống lại một lần nữa trong những cơ thể mới thì chỉ có thể đến từ lòng người.

Mỗi người đều có thể góp phần biến phép lạ cổ tích thành sự thật giữa đời này bằng hành động đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Và chắc chắn rằng, mỗi trái tim, lá phổi, quả thận, đôi mắt... đã gieo lại sự sống cho người khác không chỉ là tế bào mà vẫn còn đọng lại cả linh hồn, cả tình yêu. Để rồi chúng ta nghiệm ra rằng nghĩa cử hiến tạng cứu người: cho đi là còn mãi.