Hiệp định EVFTA được thông qua, người Việt sắp được mua hàng châu Âu giá rẻ

Thứ tư, 22/01/2020, 06:55 AM

Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (Hiệp định EVFTA).

Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (Hiệp định EVFTA). Ảnh minh họa

Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (Hiệp định EVFTA). Ảnh minh họa

Hiệp định EVFTA được thông qua với số phiếu 29/40, trong khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) có 26 phiếu thuận.

Tại phiên họp toàn thể, Nghị viện EU sẽ bỏ phiếu về 2 hiệp định này vào giữa tháng tới. Nếu được phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực sau đó một tháng, còn EVIPA sẽ phải mất thời gian vài năm do chờ từng nước thành viên EU thông qua.

Trước đó ngày 30/6/2019, Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được thực hiện, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng các nước châu Âu (EU).

EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và những mặt hàng doanh nghiệp Việt vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Khi EVFTA có hiệu lực, ngay lập tức 65% dòng thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm, phần còn lại sẽ được xóa trong 10 năm tiếp theo. Chiều ngược lại, EU xóa bỏ gần 86% thuế nhập khẩu và 99% dòng thuế sẽ được dỡ bỏ trong 7 năm.

Trước đó trả lời trên TTXVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc có EVFTA rất quan trọng giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu và sẽ có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị.

Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan sắp tới và cả những điều kiện thuận lợi hóa thương mại đều là những ngành hàng quan trọng, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Đơn cử các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ những năm đầu tiên. 

Những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng  được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

Do đó, nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% và đến giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70-80%. Điều này thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo tính toán, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ nhận được tác động lớn từ Hiệp định này. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ tăng lên 70 tỷ USD. 

Không những thế, lợi ích lớn là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp nên thuận lợi từ Hiệp định này là rất lớn nếu như biết cách khai thác, tổ chức sản xuất, đảm bảo lợi ích hợp tác. 

Ngoài ra, khi cam kết mở cửa thị trường các ngành phải tính đến áp lực cạnh tranh như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, công nghệ thông tin, nông sản chăn nuôi, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, ở mức độ hội nhập sâu rộng thì Việt Nam phải xác định cạnh tranh mang ý nghĩa tích cực, đáp ứng sản phẩm chất lượng, tạo sức cạnh tranh để Việt Nam phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là cơ hội giúp Việt Nam có điểm mạnh để có định hướng và phát triển cao hơn, có chuỗi giá trị chung với các đối tác và từ đó mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn với các ngành kinh tế.

Liên quan thu hút đầu tư, rõ ràng EU là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư Top đầu với Việt Nam có quy mô gần 22 tỷ USD mỗi năm thể hiện tính toàn diện, chứa đựng cải cách lớn, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và hình thành chuỗi giá trị mới. 

Vì vậy, với hàng loạt lĩnh vực mà EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến sẽ là lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện. 

Bài liên quan