Mỹ chính thức dừng tuân thủ INF, ông Trump đề xuất thỏa thuận thay thế

Thứ bảy, 02/02/2019, 08:26 AM

Ngày 1/2, sau khi Washington thông báo bắt đầu đình chỉ các nghĩa vụ theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Trump hy vọng sẽ tìm được hiệp ước khác thay thế “tốt hơn nhiều”, RT đưa tin.

Mỹ rút khỏi HIệp ước INF
Ông Trump hy vọng tìm được "hiệp ước tốt hơn" để thay thế INF.

Mỹ sẽ đình chỉ việc thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF từ ngày 2/2 và sẽ hoàn tất quá trình rút khỏi hiệp ước này trong 6 tháng trừ khi Nga thực hiện các yêu cầu của Washington.

"Nếu Nga không tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng hiệp ước trong thời hạn 6 tháng bằng cách phá hủy các tên lửa vi phạm INF, bệ phóng và thiết bị liên quan, hiệp ước sẽ chấm dứt", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.

Sau thông báo trên, Tổng thống Mỹ Donald cho biết Mỹ hy vọng về một thỏa thuận mới tốt hơn nhiều để thay thế Hiệp ước INF. Đồng thời, ông nói sẽ phát triển một “phản ứng quân sự với các vi phạm của Nga”.

“Tôi hy vọng chúng ta có thể đưa mọi người vào một căn phòng lớn và đẹp để xây dựng một hiệp ước mới tốt hơn nhiều. Chắc chắn, tôi muốn thấy điều đó”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Nga tuyên bố đáp trả

Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện nghĩa vụ INF, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định nước này có quyền đáp trả nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước.

Bà Zakharova nói: "Nếu Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đưa ra quyết định cuối cùng và rút khỏi hiệp ước INF, Moscow có quyền đưa ra phản ứng cùng các biện pháp đáp trả thích hợp và chúng tôi chắc chắn sẽ làm như vậy”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định Moscow sẵn sàng duy trì đối thoại về hiệp ước INF.

Ngoài ra, thành viên Ủy ban An ninh Quốc phòng của Thượng viện Nga, ông Frants Klintsevich, cho biết Moscow có thể khôi phục những dự án cũ để sử dụng các loại tên lửa tầm trung, sau khi Mỹ rút khỏi INF.

Ông khẳng định Nga sẽ không phá hủy tên lửa 9M729 như yêu cầu của Mỹ bởi nó không hề vi phạm hiệp ước INF.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF sẽ kích ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới.

NATO ủng hộ Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

NATO tuyên bố các đồng minh hoàn toàn ủng hộ việc rút khỏi INF và đồng ý với cáo buộc của Mỹ rằng hệ thống tên lửa hành trình 9M729 của Nga có tầm bắn vi phạm INF.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu như Đức vẫn muốn thảo luận với Nga để giữ hiệp ước bởi lo ngại về hậu quả nếu hiệp ước bị sụp đổ.

“Chúng tôi cho rằng Nga rõ ràng vi phạm hiệp ước và đó là lý do chúng ta phải thảo luận với Nga”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay.

Hiệp ước INF được kí kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ và cấm vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất với phạm vi từ 500 đến 5.500 km.

Hiệp ước INF đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc đồng ý giảm bớt kho vũ khí hạt nhân, loại bỏ toàn bộ danh mục vũ khí hạt nhân, và sử dụng các cuộc thanh tra tại chỗ để xác minh quá trình hủy bỏ đó.

Nhờ INF, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn, tầm trung theo thời hạn chót được quy định trong Hiệp ước là ngày 1/6/1991.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, Mỹ bắt đầu cho rằng Nga đang không tuân thủ Hiệp ước INF, cáo buộc các tên lửa hành trình Nga vi phạm INF. Trong khi đó, Nga phủ nhận các cáo buộc và khẳng định Mỹ mới là bên không tuân thủ hiệp ước.

 

Ông Putin: Nga dễ dàng thiết kế tên lửa mới khi Mỹ rút khỏi INF

Tổng thống Nga Putin cho rằng Nga có thể dễ dàng đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF bằng cách phát triển các loại tên lửa trên đất liền mới để tự vệ, đồng thời cảnh báo quyết định của Washington sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang.

 

Thế giới gặp nguy hiểm thế nào khi hiệp ước INF sụp đổ?

Theo Viện nghiên cứu chính sách Carnrgie Moscow Center, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể gây sụp đổ cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ, “giải phóng” sự hỗn loạn và khiến không chỉ hai nước mà còn cả thế giới vào nguy hiểm. 

 

Mỹ chính thức rút khỏi INF, Nga dọa đáp trả nếu tên lửa đặt ở châu Âu

Washington chính thức xác nhận rút khỏi hiệp ước INF. Đáp lại quyết định đó của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định sẽ đáp trả nếu tên lửa Mỹ đặt ở châu Âu, đe dọa an ninh Nga, RT ngày 18/12 đưa tin.