HLV Mai Đức Chung - Người thầm lặng trong thành công của bóng đá Việt Nam

Thứ bảy, 14/12/2019, 10:18 AM

Sau những thành công của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, luôn có hình bóng của một người đàn ông thầm lặng. Đó là HLV Mai Đức Chung.

nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam
HLV Mai Đức Chung.

Cho đến thời điểm hiện tại, HLV Mai Đức Chung là vị thuyền trưởng hiếm hoi của Việt Nam khi từng thành công cả trong bóng đá nam lẫn bóng đá nữ.

Cùng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, ông Chung đã 3 lần giành HCV SEA Games, gặt bao thành tích ở đấu trường quốc tế. Còn cùng với các đội bóng đá nam, ông từng giúp B.Bình Dương vô địch V.League 2015, đưa đội bóng đất Thủ Dầu vào đến bán kết AFC Cup 2009...

Năm 2017, HLV Mai Đức Chung làm việc cả với bóng đá nam và bóng đá nữ, huấn luyện cả đội bóng đá nữ đỉnh cao lẫn đội bóng đá nam đỉnh cao, rồi… thành công với cả hai.

Sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng rút lui khỏi các đội tuyển quốc gia nam, vì thất bại, HLV Mai Đức Chung lại được “ấn” cho đội tuyển Việt Nam, thực hiện chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019. Dưới bàn tay của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển quốc gia ổn định trở lại trước khi giành vé đến VCK châu lục, để rồi làm nền móng cho những thành công ở các cấp đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo.

Năm 2019, HLV Mai Đức Chung một lần nữa giúp bóng đá nữ Việt Nam đoạt cú đúp đanh hiệu Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup 2019 và lần thứ 6 vô địch SEA Games. Đặc biệt, chiến tích vô địch SEA Games sẽ khiến NHM bóng đá nước nhà nhớ mãi bởi Việt Nam đã vượt Thái Lan số lần vô địch.

cdv-thai-lan
Chức vô địch SEA Games lần thứ 6 của tuyển nữ Việt Nam.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, HLV Mai Đức Chung lại bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số theo cách kỳ lạ.

Bắt đầu sự nghiệp ngược với tất cả đồng nghiệp

"Tôi có một điều ngược lại so với tất cả các đồng nghiệp cùng trang lứa đó là người ta đá bóng rồi đi học đại học còn tôi học đại học xong mới đi đá bóng. Dù vậy việc đi học trước giúp tôi nắm hết lý thuyết về chuyên môn nên khi đá bóng tiếp thu được rất nhanh và nhiều", HLV Mai Đức Chung kể.

HLV Mai Đức Chung cho biết, ông bắt đầu trúng tuyển vào trường Thể dục Thể thao và học hệ Văn hóa vào ngày 5/7/1965. Tuy nhiên, chỉ học được 2 năm thì hệ này nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng nên giải tán.

Giải tán xong, ông tiếp tục xin đi học dự bị đại học còn bạn bè trong lớp chuyển sang trường huấn luyện, một số chuyển sang Thể Công hay các CLB khác…Năm 1968, ông chính thức sang học Đại học. Cuối năm 1971, HLV Mai Đức Chung kết thúc khóa học đại học 4 năm.

nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam
HLV Mai Đức Chung bắt đầu sự nghiệp khác với tất cả đồng nghiệp.

"Sau khi ra trường, nhẽ ra tôi được phân công về Sở giáo dục Hà Nội để giảng dạy cho các trường cấp 3 nhưng lại nhận được khá nhiều lời mời từ các đội bóng như Công An Hà Nội, Quân khu Việt Bắc", HLV Mai Đức Chung nói.

Giải thích về việc được nhiều đội bóng mời, HLV Mai Đức Chung cho hay là do ông có khả năng đá bóng và được rất nhiều người biết: "Trong thời gian học đại học, tôi ở đội tuyển của trường Thể thao Từ Sơn đi đá các nơi nên ai cũng biết như bác Tô Hiền ở Công An Hà Nội đã định xin tôi về rồi nhưng chưa kịp về".

"Lúc đó tôi rất lưỡng lự, thậm chí đội Quân khu Việt Bắc đã về tận nhà để đón tôi lên Việt Bắc, sang Trung Quốc tập huấn nhưng bất ngờ nhận được quyết định về đội Xe ca Hà Nội nên tôi về đội này", HLV Mai Đức Chung nói thêm và biệt danh Chung "Xe ca" cũng bắt đầu từ đó.

Bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số, ông Chung chia sẻ, hồi đó được hưởng chế độ lương theo mức độ tốt nghiệp đại học, mức lương khởi điểm là 45 đồng, hai năm sau được tăng lên 64 đồng. Đây là số tiền khá lớn thời đó nên ông giúp đỡ được gia đình rất nhiều,

"Năm 1975 tôi chuyển sang đá cho Tổng cục Đường sắt do đội Xe ca giải thể. Thu nhập lúc đó tôi vẫn ăn lương theo tốt nghiệp đại học còn về bồi dưỡng đá bóng thì không có mấy (1 trận đá bồi dưỡng được 5 đồng nếu bán được nhiều vé, thậm chí không có cơ).

Năm 1976, sau khi vô địch đội Công Nhân, tôi được nhà nước cho đi Trung Quốc tập huấn. Sang Trung Quốc, chúng tôi đá 7 trận với họ, kết quả thua 4, thắng 3. Sau khi đi Trung Quốc về, có lệnh của tổng Công đoàn Việt Nam tôi cùng đội Đường sắt vào Sài Gòn đá giao hữu trận đấu Bắc - Nam đầu tiên", ông nhớ lại.

Kỷ niệm chuyến du đấu lịch sử

Theo HLV Mai Đức Chung việc được tham dự trận giao hữu trận đấu Bắc - Nam đầu tiên là một vinh dự rất lớn mà không phải ai cũng được. "Đội Tổng cục Đường sắt xuất phát từ một đội bóng công nhân mà giai cấp công nhân thời đó đại diện cho cả đất nước. Hồi đó, đội đá rất tốt, dù có thua cũng đá quyết liệt.

bua-thit-kho-nghia-tinh-va-nhung-ky-niem-kho-quen-trong-35-nam-theo-nghiep-huan-luyen-cua-hlv-mai-duc-chung

Hồi đó cảm xúc thật đặc biệt, lần đầu tiên vào trong Nam ngỡ ngàng lắm, như đi nước ngoài vậy. Người dân trong đó thì rất nhiệt tình, chúng tôi đi đâu cũng được ủng hộ. Sau đó chúng tôi đi Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp đá 6 đến 7 trận cũng đều như thế. Đi đến đâu cũng được người dân rất hoan nghênh.

Khi đá ở Cảng Sài Gòn vào lúc lúc 5 giờ chiều nhưng từ 11 giờ trưa người dân đã đến xem đông nghịt rồi. Khi ra sân tôi được các khán giả đứng sát sở chân, sờ tay. Họ nói các vận động viên miền Bắc rắn rỏi lắm, khỏe lắm…

Nếu để so sánh trình độ của đội bóng chúng tôi và đội bóng miền Nam lúc bấy giờ chúng tôi không thua kém nhiều lắm dù trước đó họ đã được đi thi đấu nước ngoài rất nhiều rồi vô địch Merdeka năm 1965.

Tất nhiên, vào trong miền Nam thi đấu không phải tính thắng thua là chính, mà chủ yếu làm thế nào giới thiệu được cuộc sống, con người miền Bắc cho đồng bào miền Nam biết".

Tuy nhiên, để có những kỷ niệm như vậy, HLV Mai Đức Chung và đồng đội cũng phải trải qua muôn vàn khó khăn khi thiếu thốn về mọi thứ. Ông cho biết, ngày xưa cũng tập khổ lắm, không được tập như hiện nay đâu, 1 tuần được 3 buổi chiều thôi còn những buổi khác thì đi làm. Gần vào giải rồi thì sáng đi làm, chiều tập.

Có những vận động viên mà làm ở xí nghiệp, nhà máy, toa xe… chỉ có chế độ ăn 3 hào 1 ngày nhưng làm thì rất khổ.

"Mỗi khi tán phải dí máy vào ngực cho cái đinh nó to ra để tán vào cái đầu máy mà rung hết cả người. Còn tôi làm hơi nhàn một chút nhưng có những buổi phải đi thực tế, như đi Thái Nguyên để dạy các công nhân ở đó về thể dục, võ tự vệ… Nó vất vả và khổ sở lắm mà lương không được như bây giờ.

Năm 1980 tôi vô địch toàn quốc lương chỉ được lên 10 đồng và được thưởng 3 mét vải bò của công nhân thôi, không có gì cả. Tiền thì gắn trong lương rồi.

Về ăn uống thì không đủ chất, sân bãi mấp mô khác xa bây giờ, giày ngày xưa đóng bằng đinh da, cứ vót đinh 3 phân nhọn và cắm vào giày. Có khi tôi đá sân cứng nó chẹo mà nó mất 1, 2 cái đinh là bình thường. Hoặc có khi đang đá đinh giày nó mòn, đâm vào chân chảy cả máu chân", HLV Mai Đức Chung nhớ lại.

"Bóng lúc đó cũng rất nặng, đánh đầu xong thì choáng váng, nhất là hôm nào mưa sút quả bóng cảm thấy nặng lắm. Năm 1981, tôi cùng ĐT Việt Nam sang Bulgaria để tập huấn và thi đấu thì vẫn đi giày đó, khi cầu thủ của Bulgaria bảo cho xem giày thì tôi mới đưa ra cho xem khiến anh ta rất ngạc nhiên và sợ hãi. Những chiếc đinh dưới giày đi tiếp xúc với cỏ sáng ra khiến cầu thủ đội bạn rất sợ.

Đá xong trận cầu thủ Bulgaria yêu cầu đổi giày và tôi đổi ngay. Tự nhiên mình có đôi giày đinh xịn, còn anh ta giữ giày của tôi làm kỷ niệm.

Giày thì vậy, còn quần áo lúc đầu mặc thì vừa nhưng khi đá xong, giặt một lần thì lần sau vừa đá bóng, vừa kéo xuống cho nó dài ra. Quần cũng vậy. Ăn uống không đủ chất, tập luyện khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hăng say luyện tập. Khi vào đá thì đá rất đẹp, khiến mọi người rất thích", ông nói.

HLV Mai Đức Chung cũng thông tin thêm, cách đá ngày xưa cũng khác bây giờ, không phải xuống sát tận biên mới lật vào mà vừa qua giữa sân một chút đã tạt vào rồi khiến đối thủ bất ngờ.

"Năm 1980 có giải bóng đá toàn quốc chia làm 3 bảng: Hà Nội 1 bảng, miền Trung 1 bảng và miền Nam 1 bảng. 3 đội vô địch của 3 bảng này sẽ đá vòng tròn chung kết ở Hà Nội (sân Hàng Đẫy). Hồi đó, 3 đội vào chung kết là Tổng cục đường sắt, Công an Hà Nội, Hải Quan thì chúng tôi thắng 2 trận và vô địch luôn", HLV Mai Đức Chung tiết lộ.

Cơ duyên với bóng đá nữ và ''Quả ngọt'' đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện

"Từ năm 1983 tôi nghỉ thi đấu và chuyển sang công tác huấn luyện. Đội đầu tiên tôi dẫn dắt là U19. Thật bất ngờ, lần đầu tiên tôi làm lại vô địch giải trẻ toàn quốc năm 1984.

Năm 1986 tôi lại quay lại Tổng cục đường sắt huấn luyện đội 1 và đưa đội lên hạng A1 ngay trong mùa đầu tiên. Trước đó có bác Thụy và bác Quang Minh làm, sau khi các bác nghỉ thì đội xuống hạng A2 năm 1985.

Những năm tiếp theo tôi tiếp tục huấn luyện đến khi giải tán tôi mới chuyển sang Tổng cục Thể dục Thể thao.

Năm 2002, Tổng cục đường sắt giải tán, chúng tôi chuyển sang ACB của bầu Kiên nhưng tôi không chuyển sang đó mà tiếp tục làm việc ở đây. Khi mà phòng thể thao ở Tổng cục đường sắt không còn nữa tôi chuyển sang Tổng cục Thể dục Thể thao làm cán bộ Tổng cục và được lên làm trưởng bộ môn bóng đá".

Kể về cơ duyên đến với bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung cho biết, năm 1997 Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games có bóng đá nữ. Hồi đó chỉ có 3 đội nữ là Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh đá với nhau.

"Ở ngoài Bắc thì không có giải nữ gì, chỉ đá giao hữu với nhau thôi. Khi nghe tin có tổ chức bóng đá nữ SEA Games thì liên đoàn mới tập hợp 3 đội lại. Lúc đó việc quyết định chọn ra HLV trưởng rất đau đầu vì có bác Hùng (đội nữ Quảng Ninh) và tôi (Tổng cục Đường sắt).

Sau đó bác Lê Thế Thọ (Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) lúc đó quyết định chọn tôi dẫn đội. Tôi được đánh giá là người có tính cách hiền lành, chuyên môn tốt nên dẫn dắt đội nữ có thể sẽ hài hòa".

Bác Thọ lúc đó gọi điện cho tôi và nói: "Chung ơi, Liên đoàn tín nhiệm em, để em làm đội tuyển nữ Quốc gia tham dự SEA Games, ý em như thế nào", HLV Mai Đức Chung kể lại.

Theo HLV Mai Đức Chung, lúc đó ông ngạc nhiên lắm vì lúc đó toàn làm đội nam là chính, chưa dẫn dắt nữ bao giờ. “Tôi chưa dám nhận lời ngay và bảo với bác Thọ là cho em suy nghĩ đã".

"Sở dĩ lúc đó tôi lưỡng lự vì đang dẫn đội nam thì không biết nữ tập như thế nào rồi tâm sinh lý của các em như thế nào, mình không thể hình dung được. Suy nghĩ 1 thời gian và tôi đi đến quyết định: “Mình cứ liều thử đi xem như thế nào” và nói với bác Thọ"", ông nói tiếp.

“Tôi có cái máu bóng đá, đã chơi là phải ăn thua”

Theo lời kể của HLV Mai Đức Chung, sau khi nhận lời, ông được ông Lê Thế Thọ dặn lại phải cố gắng, quyết tâm và ông đã trả lời lại rằng: "Em có cái máu bóng đá, đã chơi là phải ăn thua. Tất nhiên, đó chỉ là trong quy củ cho phép".

nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam

"Thế rồi, tôi tập hợp 3 đội lại đi đá tiền SEA Games tại Malaysia, rất bất ngờ khi giải đó Việt Nam vô địch dù trong đó có đội nữ Myanmar nhưng không có Thái Lan.

Sau đó, chúng tôi dự SEA Games thì về đích thứ 3. Năm đó Thái Lan vô địch, Myanmar giành HCB và Việt Nam giành HCĐ. Lần đầu tiên tham dự thì như thế cùng với việc là nước lạ cái để động viên mình rất nhiều. Sau kỳ SEA Games này, tôi có tín nhiệm và cứ liên tục làm, có lúc làm đội nữ, có lúc làm đội nam cho đến nay".

Trong lần đầu tiên dẫn dắt một đội nữ chơi bóng, HLV Mai Đức Chung đã nhận ra nhiều sự khác biệt giữa bóng đá nam và nữ, chia sẻ về điều này, ông cho hay: "Về cường độ tập luyện, sức mạnh, nhanh nhẹn thì đội nữ không bằng nam được nhưng sức chịu đựng nữ lại có sự khéo léo và dẻo dai hơn nam.

Khi tôi làm tôi mới phân tích những bài tập nào dễ tiếp thu được để đưa vào các bài tập cho các em, chứ nếu đưa bài tập quá cao người ta không tiếp thu được thì vô ích, vứt đi.

Không chỉ về cường độ tập, sinh lý của nữ cũng khác hoàn toàn nam. Nam chỉ có đau ốm nhưng nữ thì hàng tháng vẫn xin nghỉ. Mình phải xem điều đó xem có ảnh hưởng không để sắp xếp.

Trong câu chuyện với chúng tôi, HLV Mai Đức Chung cho biết, sau khi cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành tấm HCĐ SEA Games 1997, ông tiếp tục trở lại huấn luyện đội Tổng cục Đường sắt. Sau đó, người dẫn dắt bóng đá nữ tham dự SEA Games năm 2001 là HLV Steve Darby.

Năm đó, đội tuyển nữ Việt Nam giành được HCV SEA Games lịch sử nhưng sau đó nội bộ lại xảy ra nhiều vấn đề, đồng thời cách huấn luyện của ông Steve Darby cũng chưa thực sự phù hợp với con người của mình nên HLV Mai Đức Chung được giao nắm đội trở lại. Khi ông nắm đội, ông đã giúp bóng đá nữ giành ngôi vô địch sau chiến thắng 2-1 trước Myanmar.

Năm 2005, ông Chung lại tiếp tục dẫn đội sang thi đấu tại Philippines. Ở đây, điều kiện sinh hoạt cũng khá khó khăn, thế nhưng với sự tài tình của mình, ông đã giúp bóng đá nữ Việt Nam thêm một lần nữa vô địch ở kỳ SEA Games này.

Năm 2007, ông lên làm trợ lý cho HLV Alfred Rield khi ấy kiêm nhiệm cả ĐTQG và đội U23. Nhưng bất ngờ ông ấy phải về nước để chữa bệnh thận nên giao quyền dẫn đội lại cho ông.

Không ngờ khi HLV Mai Đức Chung dẫn đội thì Olympic Việt Nam chơi tốt để để giành quyền lọt vào vòng loại thứ ba của Olympic Bắc Kinh 2008.

Thành công với cả tuyển nam về tuyển nữ, khi trở về dẫn dắt CLB, HLV Mai Đức Chung cũng đã làm được điều mà chưa ai từng làm được trong nền bóng đá Việt Nam.

Trở về dẫn dắt CLB Bình Dương từ năm 2009, HLV Mai Đức Chung đã đưa Bình Dương lọt vào bán kết AFC Cup và giành chứ Á quân V.League. Đáng chú ý là kỷ lục lọt vào bán kết AFC Cup, giải đấu mà tất cả các CLB Việt Nam đều không mặn mà.

Đến năm 2015, khi trở lại với Bình Dương, HLV Mai Đức Chung đã chinh phục được chức vô địch V.League bằng sự mềm dẻo của mình. Đặc biệt, ông Chung khéo léo điều tiết các mối quan hệ chồng chéo ở chốn hậu trường của Bình Dương, điều mà HLV cá tính như Lê Thụy Hải đã thất bại.

nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam
HLV Mai Đức Chung khi dẫn dắt ĐT nam.

"Thực lòng chuyện dẫn cả ĐTQG nam và nữ vào năm 2017 tôi cũng nghĩ đơn giản thôi chứ có gì to tát lắm đâu. Người ta cần thì cần lúc khó khăn, lúc đó người ta mới cần nhau, còn khi sung túc đủ đầy có khi lại ít nghĩ đến nhau. Tôi cũng như thế", ông Chung nói.

Năm 2017, trong thời điểm U23 Việt Nam thất bại ở SEA Games, đội tuyển lâm vào thế khó khi không có HLV, V.League lại nghỉ dài đến tận 2 tháng nên các cầu thủ khó tập luyện với nhau. Khi nhận được lời mời từ Liên đoàn, tôi suy nghĩ rất nhanh thôi và quyết định đồng ý, dù ranh giới giữa cái được và mất lúc này thực sự mong manh vô cùng. Bóng đá là như vậy!

Chuyện về chiếc HCV thứ 6

Trong sự kiện giao lưu trực tuyến mới đây, HLV Mai Đức Chung đã chia sẻ rất thẳng thắn câu chuyện đối đầu với đội tuyển nữ Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 30 vừa qua.

nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam
ĐT nữ Việt Nam ăn mừng chức vô địch thứ 6.

"Trước trận đấu tôi đã nói với các cầu thủ rằng chúng ta là cửa dưới, chúng ta phải biết người biết ta. Rõ ràng Thái Lan hơn chúng ta về tầm vóc, thể lực, sức mạnh, và cả kỹ chiến thuật", ông Chung kể.

HLV Mai Đức Chung cũng cho biết thêm, Thái Lan dùng đủ chiêu trò để giành chiến thắng.

"Tôi để ý có một cô đến sát cầu môn mình, cúi xuống, nhét cái gì đó ở cột cầu môn. Một lúc sau, cô ta giả vờ buộc dây giày rồi đi. Tôi đã biết ngay. Sau đó tôi gọi trợ lý Tuấn - HLV trưởng đội Hà Nội - và bảo: "Tuấn, xem cho chú ở cột cầu môn, cô Thái Lan kia nhét gì vào đấy. Chú nhìn thấy"".

"Khi ấy Tuấn ra, tìm ở cột cầu môn và cầm lên một đồng xu. Rõ ràng họ làm mọi cách để giành thắng lợi trước đội Việt Nam chúng ta mà không được. Khi đội bạn rút về hết, tôi bảo Tuấn sang bên cột cầu môn kia kiểm tra. Y như rằng cũng thấy 1 đồng xu như vậy", HLV Chung kể.

Một câu chuyện khác "hơi mang tính duy tâm". Đó là khi ra sân, tuyển Việt Nam rời khách sạn để ra sân thi đấu trước tuyển Thái Lan. Xe của đội Thái Lan đỗ ở phía trước, xe chúng ta ở phía sau. Ông Chung đã nói với cảnh sát dẫn đoàn đề nghị xe Thái Lan lùi lại để nhường xe Việt Nam lên trước vì xe họ chưa có người.

"Khi chúng tôi nói cũng hơi tế nhị một chút là "kiêng": Trước khi đi thi đấu mà xe lùi thì không tốt về mặt phong thủy lắm, mà chỉ có tiến thôi. Rõ ràng là chúng ta tiến", ông Chung cho hay.

Nói về sức chiến đấu của tuyển nữ Việt Nam trong trận chung kết, HLV Mai Đức Chung đánh giá: ''Lúc ấy các em đã chơi trên 100% sức, khó khăn nhất cũng không nề hà".

can-canh-bua-com-than-mat-thu-tuong-moi-cac-nha-vo-dich-sea-games-30
HLV Mai Đức Chung vinh dự được gặp Thủ tướng sau thành công của bóng đá nữ trong năm 2019.

"Ví dụ như khi tôi thay Nguyễn Thị Xuyến mệt ra, bên bạn cũng thay cầu thủ số 11, cô ấy rất khỏe như đàn ông. Tôi gọi Loan vào sân thay Xuyến. Loan rất khỏe và có tốc độ tốt, bắt chặt cô ấy. Loan đã hoàn thành nhiệm vụ".

"Chúng tôi đối đầu cả trong sân lẫn ngoài sân, cả đấu pháp. Một trận tôi xếp Yến đá đầu, trận này tôi lại cất Yến ra ngoài, chưa muốn Yến vào vội vì Yến vào mà chưa phát huy được khả năng thì sẽ sụp đổ. Khi Yến nhìn thấy điểm yếu của Thái Lan, khích động tinh thần của Yến ở ngoài. Y như rằng, ở hiệp hai tôi thay Yến vào, Yến hoạt động mạnh mẽ hơn và ghi bàn thắng ở hiệp phụ", ông Chung cho biết thêm.

Về tình hình các nữ cầu thủ bị chấn thương sau trận đấu, ông Chung cho biết tới nay Chương Thị Kiều còn đang chấn thương, cần thời gian. Vũ Thị Nhung quá sức đã hồi tỉnh rồi và trở về Việt Nam.

"Tôi cũng nói với cháu cần ăn uống nghỉ ngơi để lại sức. Trên đường tới văn phòng chính phủ tối qua, thấy dòng người vẫy chào, chúng tôi thấy mình cần cố gắng hơn nữa", HLV Mai Đức Chung chốt lại.

 

5 nguyên nhân giúp bóng đá Việt Nam thống trị Đông Nam Á

Tờ SMM Sport (Thái Lan) có bài viết phân tích 5 nguyên nhân giúp bóng đá Việt Nam thống trị Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.

 

Không phải 'hot girl 1m52', Quang Hải lại dính vào tin đồn yêu cô chủ tiệm nail?

Sau SEA Games, Quang Hải tiếp tục dính vào tin đồn hẹn hò đang gây sự quan tâm lớn của cư dân mạng.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/hlv-mai-duc-chung-nguoi-tham-lang-trong-thanh-cong-cua-bong-da-viet-nam-145871.html