Hộ cận nghèo ở nhà lầu, hộ giàu ở nhà lá: Hòa Bình đình chỉ cán bộ xóm

Chủ nhật, 24/05/2020, 06:53 AM

Huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã yêu cầu 2 xã Quý Hòa và Tân Lập tạm đình chỉ các cán bộ, Trưởng xóm liên quan việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 sai đối tượng.

Hộ ở nhà lá lụp xụp không được hỗ trợ, ngược lại hộ đang xây nhà lầu thì được hỗ trợ và công nhận là cận nghèo.

Hộ ở nhà lá lụp xụp không được hỗ trợ, ngược lại hộ đang xây nhà lầu thì được hỗ trợ và công nhận là cận nghèo.

Lùm xùm về việc chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 không đúng đối tượng đang trở thành câu chuyện bi hài diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước tiêu biểu là Thanh Hóa và mới đây là ở Hòa Bình.

Đáng chú ý, đằng sau bất cập dư luận mới vỡ lẽ về những cách bình bầu hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương này khi những người ở nhà lầu, đi xe hơi vẫn lọt danh sách hộ cận nghèo và được nhận tiền hỗ trợ, còn những người ở nhà lá lụp xụp không công ăn việc làm ổn định thì được coi là "hộ giàu" nên không được tiền hỗ trợ.

Tréo ngoe hộ cận nghèo xây nhà tầng, ở nhà lá thì coi là "hộ giàu"

Cũng giống như câu chuyện xảy ra ở Thanh Hóa mà báo chí phản ánh vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình cũng xảy ra tình trạng cười ra nước mắt khi hộ cận nghèo thì có nhà lầu, còn hộ ở nhà lá thì được coi là "thoát nghèo".

Báo VTC NEWS phản ánh: Sau khi nghe thông tin Chính phủ có gói hỗ trợ Covid-19 cho các gia đình khó khăn thất nghiệp nhiều người dân trú tại xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) khấp khởi vui mừng hy vọng có tiền "vượt qua khó khăn".

Tuy nhiên, niềm hy vọng nhanh chóng bị dập tắt vì được cán bộ thông báo gia đình không thuộc diện được hỗ trợ. Thay vào đó, một số gia đình ở nhà lầu, xây nhà 2 tầng có kinh tế khá giả thì được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Bà Bùi Thị Nh. (SN 1973, trú tại xóm Chiềng Vang 2, xã Tân Lập) cho biết: Nghe đài báo nói được nhận tiền hỗ trợ niềm hy vọng số tiền sắp được nhận sẽ giúp gia đình bà hết cảnh bữa rau bữa cháo sau đợt dịch COVID-19 vụt biến mất khi bà nhận được câu trả lời của trưởng xóm: “Nhà không có con đi học thì không được”.

Bà Nh. bức xúc cho biết thêm, có nhà không mấy khó khăn nhưng chỉ cần có trẻ 3 tuổi học mẫu giáo cũng được xếp vào diện “có con đi học” để được ưu tiên nhận tiền hỗ trợ.

Một hộ dân khác là bà Bùi Thị L. (SN 1966). Bà L. thuộc diện khó khăn khi một mình gồng gánh nuôi 2 con trai dưới căn nhà sàn dột nát, chồng thì mất sớm.

Người con trai đầu đã đến tuổi lập gia đình nhưng không dám lấy vợ vì nhà quá nghèo, cưới xong không biết ở đâu. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà L. không đi làm thuê được, cũng chẳng thể đi chợ bán mớ rau kiếm sống qua ngày vì bị cấm họp chợ.

Khi biết xóm phát tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do dịch Coivd-19, bà L. tìm gặp trưởng xóm để nhận tiền thì mới ngã ngửa khi biết mình đã “thoát nghèo".

Trước đó người phụ nữ này chưa hề nhận được thông báo nào của chính quyền về việc gia đình bà đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. “Đến hôm qua tôi mới biết là mình thuộc hộ giàu”, người phụ nữ khổ sở tâm sự.

Cũng giống như 2 trường hợp trên, gia đình anh Bùi Văn Tr. (SN 1995, xóm Chiềng Vang 2) mặc dù sống trong căn nhà sàn dột nát, không đủ để che mưa che nắng, tài sản bên trong không có gì đáng giá nhưng gia đình anh không nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng do cán bộ xã nói đã thoát nghèo. “Ra đến xã tôi mới biết mình thoát nghèo, tức là tôi thành người giàu rồi, tôi bất ngờ quá”, anh Tr. bức xúc.

Trái ngược với những hộ trên, gia đình bà T. (cán bộ Hội phụ nữ xóm Rậm, chồng là B.V.Q, SN 1962) có điều kiện kinh tế khá giả, có 2 ngôi nhà khang trang nhưng lại "lọt” hộ cận nghèo, được nhận tiền hỗ trợ.

Hay gia đình ông B.T.B (SN 1956, xóm Rậm) dù đang xây nhà 2 tầng kiên cố nhưng vẫn nằm trong danh sách cận nghèo.

Một số người dân bất bình tới trụ sở UBND xã Tân Lập để hỏi thì được hướng dẫn về hỏi trưởng xóm. Tuy nhiên, khi gặp ông Bùi Văn Nhân (trưởng xóm Rậm) thì bị ông Nhân đe dọa, quát tháo, thách thưa kiện.

Báo chí phản ánh Chính quyền mới giật mình cách chức cán bộ xóm

Vụ việc hộ ở nhà lá không có công ăn việc làm bị coi là hộ giàu không được nhận hỗ trợ còn người ở nhà lầu kinh tế khá giả được coi là hộ cận nghèo nhận tiền hỗ trợ ở Hòa Bình khiến dư luận dậy sóng.

Ngay sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn hỏa tốc gửi Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình yêu cầu làm rõ.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn phát biểu tại cuộc họp báo.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn phát biểu tại cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo hôm 22/5, ông Nguyễn Ngọc Điệp (Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn) cho biết, quá trình rà soát các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, xảy ra một số sai sót như báo chí phản ánh.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện về kết quả kiểm tra công tác chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, huyện Lạc Sơn yêu cầu UBND xã Quý Hòa quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ bà Bùi Thị Thùy Linh, là Công chức Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong tham mưu chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại đơn vị.

Còn tại UBND xã Tân Lập cũng tạm đình chỉ nhiệm vụ với bà Bùi Thị Linh (Công chức Lao động – Thương binh và Xã hội); Trưởng xóm Chiêng Vang và Trưởng xóm Rậm. Ngoài tạm đình chỉ công tác, xã cũng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong tham mưu chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại đơn vị.

UBND huyện Lạc Sơn yêu cầu các xã nghiêm túc thực và báo cáo kết quả trước ngày 24/5/2020.

Bát nháo chuyện hộ nghèo, chính quyền quản lý kiểu ngủ mơ?

Cả sự việc hộ ở nhà lá, nhà cấp 4 lụp xụp không có công ăn việc làm bị coi là hộ giàu không được nhận hỗ trợ còn người ở nhà lầu kinh tế khá giả được coi là hộ cận nghèo nhận tiền hỗ trợ ở Hòa Bình và Thanh Hóa vừa qua khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng có sự buông lỏng của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng, bởi nếu có sự kiểm tra, sâu sát, gần dân chắc chắn sẽ không có chuyện bát nháo hộ giàu, hộ nghèo như trên.

Thế nhưng một sự thật đáng buồn là hầu hết khi báo chí vào cuộc thì những người có trách nhiệm lại giật mình thừa nhận có sai sót.

Trao đổi với PV, nhiều ĐBQH khẳng định, những trường hợp trên người đứng đầu chính quyền địa phương phải có trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, thậm chí truy tố đối với cán bộ làm sai để người dân mất niềm tin vào chính quyền.

Đặc biệt, chính việc làm của những cán bộ này đã khiến nhiều người hiểu không đúng về sự nhân văn của Chính phủ, để việc hỗ trợ không được đến nơi cần đến.