Hoa Kỳ khởi động chế tạo máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21

Thứ năm, 18/07/2019, 14:16 PM

Mỹ đang chế tạo máy bay ném bom tàng hình B-21 để thay thế cho các máy bay hiện có.

Không quân Hoa Kỳ (USAF) đã khởi động việc chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-21 Raider đầu tiên, đó là thông tin được công bố trong bản báo cáo ngày 09/07/2019 của Warrior Maven, trích dẫn nguồn tin từ sĩ quan cấp cao của USAF.

Phát biểu tại một sự kiện của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell vào tháng 06/2019, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein cho hay: Không quân Mỹ đang giám sát chặt chẽ việc chế tạo máy bay thử nghiệm, và bổ sung các phần mềm liên quan để hỗ trợ cho chuyến bay đầu tiên.

hoa-ky-khoi-dong-che-tao-may-bay-nem-bom-chien-luoc-tang-hinh-b-21
Máy bay ném bom chiến lược B-2 - Người tiền nhiệm của B-21

Chương trình B-21 đã được đưa vào giai đoạn Phát triển Kỹ thuật và Thiết kế (Engineering Manufacturing and Design phase - EMD) vào đầu năm nay, đòi hỏi phải tiến hành các hoạt động phát triển và thiết kế máy bay ném bom, bao gồm hoàn thành tích hợp hệ thống đầy đủ, trước khi đi vào sản xuất. Theo một báo cáo về các đánh giá của Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Hoa Kỳ đã được công bố, ông Goldfein nói rằng chương trình B-21 đang được lên kế hoạch và máy bay ném bom B-21 dự kiến ​​sẽ được đi vào hoạt động giữa năm 2020. Chiếc B-21 đầu tiên dự kiến ​​sẽ bay vào năm 2021. Hầu hết các chi tiết của chương trình vẫn ở mức độ tối mật, bao gồm kích thước thực tế của máy bay.

Điều chắc chắn là B-21 sẽ là máy bay ném bom tầm xa cận âm, có thể mang theo cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.

Chủ trì việc phát triển và chế tạo máy bay B-21 là nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ Northrop Grumman. Ông lớn hàng không này đã được trao một hợp đồng vào tháng 10/2015 bao gồm giai đoạn Phát triển Kỹ thuật và Sản xuất (EMD) cũng như năm lô sản xuất đầu tiên với 21 máy bay ném bom. Việc chế tạo nguyên mẫu được cho là đang diễn ra tại Nhà máy Không quân 42 ở Palmdale, California. Đáng chú ý, máy bay ném bom B-21 được cho là chế tạo chủ yếu bằng các công nghệ hiện có.

hoa-ky-khoi-dong-che-tao-may-bay-nem-bom-chien-luoc-tang-hinh-b-21
Máy bay tàng hình B-2 - sẽ được thay thế bởi B-21

Máy bay B-21 cũng được cho là dễ nâng cấp hơn các máy bay ném bom trước đây. Theo nhiều nguồn tin cấp cao trong Không quân Hoa Kỳ, máy bay B-21 được thiết kế để có thể được nâng cấp liên tục. Điều này có nghĩa là các phần mềm, cảm biến, vũ khí, máy tính và các hệ thống điện tử hàng không mới có thể được triển khai ngay trên khung thân cơ sở sẵn có của B-21.

Theo Jalopnik, trọng tải của máy bay chưa được công bố, nhưng B-21 sẽ có thể mang siêu bom MOP (Massive Ordnance Penetrator – GBU-57), cũng như bom hạt nhân B-61-12. Chiếc B-21 cũng có thể mang các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tầm xa LRSO (Long Range Stand Off). Theo ông Goldfein, tên lửa LRSO sẽ mang lại hiệu quả về chi phí trong hoạt động của chiếc B-21. Theo kế hoạch, máy bay B-21 sẽ được triển khai tên lửa LRSO vào năm 2030.

B-21 được dự kiến sẽ thay thế đội máy bay ném bom chiến lược gồm các mẫu B-1B Lancer, B-2 Spirit và B-52H của USAF. Nhìn chung, USAF có kế hoạch mua khoảng 100 chiếc B-21, với chi phí 656 triệu USD mỗi chiếc theo thời giá năm 2019. Dĩ nhiên, con số đó có khả năng tăng lên do trượt giá. Năm 2016, USAF đã thông báo rằng, giá sản xuất trung bình cho mỗi chiếc B-21 là 511 triệu USD. Như vậy, tổng chi phí của gói thầu mua sắm máy bay có thể vượt trên 100 tỉ USD.

Cũng cần nhắc lại rằng: USAF không phải người chi tiêu hiệu quả cho các chương trình máy bay ném bom của mình. Trong quá khứ, cả hai chương trình máy bay ném bom tàng hình B-1 và B-2 đều đã vượt ngân sách.

 

Kỳ lạ máy bay ném bom Mỹ có cả nhà bếp phòng ăn

Dù được trang bị khoang lái, nhà vệ sinh và cả nhà bếp, phòng ăn không thua kém gì các máy bay thương gia hạng sang, thế nhưng mẫu máy bay ném bom này lại không lọt vào "mắt xanh" của Lầu Năm Góc.

 

Máy bay ném bom Tu-160 của Nga vượt 10.000 km qua Đại Tây Dương tới Venezuela

Hai máy bay ném bom Tu-160 của Nga đã hạ cánh ở Sân bay quốc tế Simon Bolivar của Venezuela ngày 10/12 sau khi bay thẳng 10.000 km qua Đại Tây Dương.