Hoàng Công Lương ra tù có được hành nghề bác sĩ?

Thứ bảy, 23/01/2021, 10:04 AM

Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương vừa ra tù sau thời gian chấp hành án phạt trong vụ án sự cố chạy thận ở BVĐK Hòa Bình, vậy Hoàng Công Lương có được tiếp tục hành nghề?

Hình ảnh cựu bác sĩ Hoàng Công Lương được mãn hạn tù trở về với gia đình.

Hình ảnh cựu bác sĩ Hoàng Công Lương được mãn hạn tù trở về với gia đình.

Tin tức về việc cựu bác sĩ Hoàng Công Lương vừa được ra tù sớm trước thời hạn sau khi chấp hành án phạt của tòa án trong vụ án sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017.

Một trong số những câu hỏi lớn nhất được nhiều người đặt ra đó là việc sau khi ra tù Hoàng Công Lương có tiếp tục được hành nghề y với chuyên môn bác sĩ?

Trả lời báo chí về câu hỏi này, một lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Y tế cho biết, đã nắm được thông tin qua báo chí phản ánh về việc cựu bác sỹ Hoàng Công Lương được ra tù trước thời hạn.

Theo vị này, căn cứ theo bản án phúc thẩm - ngoài mức án 30 tháng tù bị tuyên, HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề đối với cựu bác sỹ Hoàng Công Lương.

Tuy nhiên, sau khi bác sỹ Lương bị truy tố, Sở Y tế tỉnh Hoà Bình đã tạm thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ Lương. Sau đó, bác sỹ Lương được chuyển làm công việc hành chính ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Do đó, sau khi chấp hành xong án phạt tù theo bản án phúc thẩm, cựu bác sỹ Lương nếu vẫn tiếp tục có nguyện vọng làm công việc khám chữa bệnh gắn với sức khoẻ, tính mạng con người thì phải có chứng chỉ hành nghề.

Để có được chứng chỉ này, cựu bác sỹ Lương phải đi xin việc, trong đó có thể làm ở bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân hoặc làm ở phòng khám đa khoa, y tế.

Vị này giải thích, theo quy định, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải đăng ký thực hành phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo.

Trường hợp là bác sỹ đa khoa thì đăng ký thực hành theo một trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, hoặc đăng ký thực hành theo một trong các hệ nội – nhi hoặc ngoại – sản.

Trường hợp thực hành theo hệ thì tổng thời gian thực hành là 18 tháng trong đó thời gian thực hành tại mỗi chuyên khoa thuộc hệ ít nhất là 9 tháng liên tục.

Bên cạnh đó, theo quy định, chứng chỉ hành nghề sau thời gian không thực hành phải bảo đảm học lại (thực hành). Khi đủ điều kiện cả về quy định chuyên môn lẫn của toà án (có trường hợp cấm quy định hành nghề sau 3, 5 năm nhưng cũng có trường hợp không cấm) thì lúc này bác sỹ mới được cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Trên tờ Doanh Nghiệp và Tiếp Thị vị này chia sẻ: "Ở đây, phải chỉ rõ, bằng bác sỹ của Hoàng Công Lương không bị thu hồi mà chỉ bị thu chứng chỉ hành nghề. Do đó, nếu muốn hành nghề trở lại sau 2 năm chấp hành án tù vừa qua thì Lương phải chứng minh đủ các điều kiện để xin cấp lại.

Trong đó, phải thực hành trở lại với tổng thời gian 18 tháng và có đơn, đủ các văn bản xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề, phiếu lý lịch tư pháp...

Khi đáp ứng được đủ các điều kiện thì sẽ được xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề", vị này nêu rõ.

Cũng theo vị này, ông Hoàng Công Lương cũng như mọi người bình thường khác, khi chấp hành án xong nếu muốn quay trở lại làm việc trong ngành y thì phải làm đúng các quy định, chứ không thể và dứt khoát không được có đặc cách nào.

Trên báo Giao Thông, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết: Sau khi đã chấp hành án, Hoàng Công Lương sẽ như những công dân bình thường, ngành y tế cũng không có "đặc cách" nào cả.

Theo vị lãnh đạo này, để tiếp tục theo "nghề" thì anh Hoàng Công Lương sẽ phải bắt đầu các bước tuyển dụng như những công dân khác. Cụ thể, là phải nộp hồ sơ tuyển dụng và thi tuyển vào ngành".

Tháng 6/2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt: Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người".

Trần Văn Thắng (Nguyên trưởng phòng vật tư) cũng bị tuyên 30 tháng tù giam; Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình) 30 tháng tù giam;

Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trương Quý Dương (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình) bị tuyên 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo nội dung vụ án: Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo về chuyên môn thận nhân tạo. Hoàng Công Lương cũng được lãnh đạo giao trách nhiệm chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo.

Theo quy chế khoa lọc máu, bị cáo này không phải chịu trách nhiệm nguồn nước nhưng buộc phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận.

Lương biết việc sửa chữa hệ thống RO số 2 vào ngày 28/5/2017 song khi chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo, Lương đã đưa hệ thống vào chạy thận gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người chết.