Kiên trì ‘đường 9 đoạn’, Trung Quốc sẽ rơi vào tuyệt lộ

Thứ sáu, 13/09/2019, 06:27 AM

Đó là nhận định của học giả Lý Lệnh Hoa trên trang blog cá nhân của mình về chính sách Biển Đông hiện nay của Trung Quốc.

kien-tri-duong-9-doan-trung-quoc-se-roi-vao-tuyet-lo
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc trong hoạt động năm 2018. Ảnh: Schottel.

Học giả Lý Lệnh Hoa (Li Linghua) sinh 1946, tốt nghiệp Học viện Hải dương Sơn Đông, nay là Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc. Ông từng viết nhiều bài phê phán các sai lầm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp về biển đảo với các nước xung quanh.

Gần đây, ông viết một bài có tựa đề là “Kiên trì ‘Đường 9 Đoạn’, việc vạch ranh giới biển Nam Hải sẽ đi vào tuyệt lộ”.

Trong bài viết của mình, ông cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra không tiếp thu các luật lệ, quy tắc mà quốc tế đã đặt ra và các nước đều đang tuân thủ: "Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Biển Đông sau khi công bố đã được dư luận nước ngoài và Trung Quốc quan tâm. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý không tiếp thu, không tham gia, không thừa nhận vụ trọng tài Biển Đông do Philippines đưa ra. Tòa Trọng tài phán quyết rằng “Đường 9 Đoạn” ở Biển Đông không phù hợp luật quốc tế".

Bài viết có đoạn nhận định: "Như vậy tức là nói phạm vi của “Đường 9 Đoạn” do Trung Quốc chủ trương đã xuất hiện sự chồng lấn trên diện tích lớn với biên giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các quốc gia khác ở duyên hải Biển Đông.

Nguyên tắc vạch biên giới biển được áp dụng rộng rãi trên quốc tế hiện nay dựa trên cơ sở trạng thái địa lý học bờ biển, gồm cấu hình bờ biển và chiều dài bờ biển. Khi thực hành vạch ranh giới biển, Trung Quốc không thể không tuân thủ nguyên tắc đó. Do kiên trì “Đường 9 Đoạn”, việc vạch ranh giới biển Trung Quốc tất nhiên đi vào tuyệt lộ".

Cũng theo Lý Lệnh Hoa, Trung Quốc muốn Biển Đông trở thành biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị, các bên cần bình tĩnh lại, cùng nhau tiến lên, xem xét các vấn đề một cách toàn diện. Tất cả các bên tranh chấp nên trao đổi rộng rãi với nhau, hiểu biết lẫn nhau. Nên đề xướng kết hợp đàm phán song phương và nhiều bên để giải quyết tranh chấp. Đây cũng là nhu cầu thực tế bố cục toàn diện trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ và vạch đường ranh giới biển ở Biển Đông.

"Trung Quốc không thể chỉ áp dụng thế “tấn công” với một, hai quốc gia. Trong giải quyết tranh chấp Biển Đông mà chỉ áp dụng đàm phán song phương thì e rằng ngay cả các học sinh trung học, tiểu học Trung Quốc cũng cho rằng đây là chuyện căn bản không thể làm được", ông Lý cho biết.

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia từ ngày 10 đến 27/5 tại cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã được cấp phép thăm dò, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Những hành động bắt nạt láng giềng của Trung Quốc đang không chỉ khiến các nước liên quan tức giận mà còn khiến dư luận Trung Quốc cũng tỏ ra nghi ngờ chính sách đối ngoại của chính quyền. Lý Lệnh Hoa là một trong nhiều học giả đặt nhiều hoài nghi về tham vọng biển của Bắc Kinh.

Không chỉ vậy, mới đây, Rudroneel Ghosh, bình luận viên từ India Times, cho hay. "Chúng là hành động khiêu khích nhằm cho khu vực và thế giới thấy rằng Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ chịu hậu quả tại Biển Đông".

Nhà nghiên cứu Lucio Blanco Pitlo III từ tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, trụ sở ở Philippines, nhận định  những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng phá hoại các hoạt động kinh tế hàng hải hợp pháp do các quốc gia khác thực hiện, đồng thời không ngại tham gia vào các hoạt động khảo sát bất hợp pháp tại thềm lục địa những nước láng giềng.

Trong khi các nước phải chịu đựng những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc thường tìm cách đối thoại để xoa dịu căng thẳng, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng nhiều khả năng sẽ dẫn tới những động thái phản kháng mạnh mẽ hơn, từ cả ASEAN và bên ngoài khu vực, Lucio nói.

Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada cùng một số nước khác cũng đã chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi thiết lập một trật tự dưa trên các quy tắc.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) trong khi đó công khai chỉ trích hành động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. "Hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như đã nêu trong UNCLOS 1982", IADL khẳng định.

Mỹ đã lên án Trung Quốc vì những hành động đơn phương mang tính khiêu khích. "Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa trái phép các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông, bao gồm sử dụng dân quân biển để đe dọa và cưỡng chế các quốc gia khác, đang phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Deann Ortagus hồi đầu tháng tuyên bố.

Nếu Bắc Kinh tiếp tục những hành vi gây hấn của mình ở Biển Đông, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, Ghosh nhấn mạnh. Khi đó, một tính toán sai lầm nhỏ có thể dẫn tới xung đột lớn.

"Ngay cả nếu xung đột không xảy ra, những căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của các nước trong khu vực. Chi phí cơ hội là rất lớn và Trung Quốc thực sự không nhận ra những nguy cơ tiềm năng khi chọn chủ nghĩa đơn phương thay vì phương pháp tham vấn", Ghosh nói.

 

Duterte gạt phán quyết chủ quyền, nhận 'ăn chia phần trăm' trên Biển Đông với Trung Quốc

"Họ muốn thăm dò. Họ nói nếu phát hiện khí, chúng ta sẽ nhận 60% lợi nhuận còn họ chỉ nhận 40%. Ông Tập Cận Bình đã hứa như vậy", Tổng thống Duterte nói về đề nghị của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm nước này của ông hồi cuối tháng Tám.

 

Sức mạnh tên lửa diệt hạm mạnh nhất thế giới vừa tới Biển Đông

Với việc tên lửa diệt hạm mạnh nhất thế giới NSM được Mỹ triển khai tới Biển Đông, giới quan sát cho rằng, Washington sẽ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này.