Thứ tư, 15/04/2020, 14:04 PM
  • Click để copy

Học sinh Huế tạo máy rửa tay tự động nhằm hạn chế lây nhiễm trong mùa dịch

Trong mùa dịch Covid-19, thấy người dân dùng tay bấm vào chai nước sát khuẩn, nhóm học sinh ở Thừa Thiên Huế đã tạo ra chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động để hạn chế lây nhiễm.

Chiếc máy rửa tay tự động.

Chiếc máy rửa tay tự động.

Chủ nhân của chiếc máy hữu ích này là hai bạn Ngô Quốc Huy (lớp 12) và bạn Nguyễn Tấn Tiến (lớp 11). Cả hai em cùng học trường THPT Chuyên Quốc học Huế.

Trao đổi với chúng tôi, Quốc Huy nói: “Trong một lần em đến ngân hàng để giao dịch, em thấy có nhiều người xếp hàng để rửa tay sát khuẩn trước khi vào bên trong. Tuy nhiên, em thấy ai cũng dùng tay để bấm, việc này dễ bị lây nhiễm chéo nên chúng em muốn làm ra một cái máy tự động để hạn chế lây nhiễm”.

Từ những kiến thức đã học cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hai học sinh xứ Huế này đã háo hức bắt tay vào biến ý tưởng thành hiện thực để tạo ra chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động giúp ích cho cộng đồng, nhất là trong mùa dịch bệnh này.

Để có kinh phí cũng như góp ý cải tiến, Huy và Tiến đã liên lạc với nhà trường để nhờ giúp đỡ thêm. Kinh phí của phần máy đã được các anh chị cựu học sinh, các nhà tài trợ và nhà trường hỗ trợ cho các em sáng tạo ra chiếc máy này.

Tặng sản phẩm thiết thực phục vụ người dân.

Tặng sản phẩm thiết thực phục vụ người dân.

Sau vài ngày quần quật bên những thiết bị, hai nam sinh Quốc học Huế cũng đã làm ra được một chiếc máy đầu tiên. Tuy nhiên, sản phẩm phiên bản đầu tiên không như các em mong muốn.

Huy chia sẻ: “Khi chạy thử nghiệm sản phẩm đầu tiên, chúng em thấy chưa được ổn. Do đó, phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới cho ra được chiếc máy hoàn thiện”.

Theo các bạn, chiếc máy này gồm các linh kiện như cảm biến hồng ngoại, bơm điện, van điện từ, ống nước… Đây là các linh kiện dễ tìm kiếm và có giá thành vừa phải. Các bạn học sinh đã kết hợp chúng lại với nhau tạo ra một máy rửa tay tự động cơ bản.

Không dừng lại ở đó, Huy và Tiến còn cải tiến sản phẩm này bằng cách sửa lại một số chỗ để hạn chế cồn bị phun ra quá nhiều, sử dụng linh kiện công nghiệp thay vì linh kiện điện tử thông thường sẽ bền hơn… Sao bao nỗ lực, các em đã tạo ra được chiếc máy có kích thước nhỏ gọn, hình dáng hài hòa.

Với chiếc máy này, khi người dân đưa tay vào chiếc máy, hệ thống cảm biến hồng ngoại nhận biết rồi tự động phun ra 1,5 ml dung dịch nước sát khuẩn trong 3 giây ở chế độ dạng phun sương.

Chiếc máy giúp hạn chế lượng dung dịch bị hao hụt trong quá trình rửa.

Chiếc máy giúp hạn chế lượng dung dịch bị hao hụt trong quá trình rửa.

Tấn Tiến cho hay: “Chiếc máy tự động này giúp cho người dùng rửa tay mà không cần phải chạm vào sẽ tránh được lây nhiễm chéo Covid-19, hạn chế được lượng dung dịch bị hao hụt trong quá trình rửa cũng như tiêu tốn rất ít điện năng và giá thành phù hợp”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc rửa tay là hoạt động rất cần thiết. Do đó, chiếc máy này có thể được sử dụng ở bất cứ đâu như chợ, ngân hàng, từng hộ gia đình...

Sau khi chiếc máy được ra đời, các em cùng Đoàn trường THPT Chuyên Quốc học Huế đã mang tặng chốt kiểm soát y tế số 2 (thị xã Hương Trà) và Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền).

Người dân dùng chiếc máy rửa tay tự động.

Người dân dùng chiếc máy rửa tay tự động.

Đây là món quà nhỏ mà hai bạn học sinh xứ Huế muốn dành tặng cho đội ngũ y, bác sỹ cũng như người dân… Tại các địa điểm trên, mọi người rất thích sử dụng chiếc máy này do cảm thấy tiện lợi và an toàn hơn.

Huy cho biết thêm: “Chúng em cảm thấy rất vui và tự hào, vì đã góp một phần công sức nhỏ để lan tỏa tinh thần phòng chống dịch Covid-19”.

Theo Đoàn trường THPT Chuyên Quốc học Huế, thông qua việc chế tạo máy rửa tay tự động này, Huy và Tiến muốn lan tỏa tinh thần cống hiến trí tuệ, xung kích của thanh niên trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Huy và Tiến cũng từng đạt giải Nhất của Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 với đề tài “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào”. Sau đó, tiếp tục được chọn dự thi cấp Quốc gia nhưng đang hoãn vì dịch bệnh.

Bài liên quan