Thứ sáu, 24/08/2018, 14:22 PM
  • Click để copy

Vụ học sinh lớp 10 chơi trò 'phản cảm' từ Nhật Bản: Phải chăng trò chơi dân gian đã hết?

Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, trò chơi dân gian có rất nhiều, mang nhiều ý nghĩa nhưng trường THPT thực hành sư phạm - Đại học Cần Thơ lại tổ chức cho học sinh lớp 10 chơi trò chơi xuất xứ từ Nhật Bản dẫn đến cảnh phản cảm.

vu-hoc-sinh-lop-10-choi-tro-phan-cam-tu-nhat-ban-phai-chang-tro-choi-dan-gian-da-hetTrò chơi xuất xứ từ Nhật Bản.

Liên quan đến câu chuyện học sinh lớp 10 của trường THPT thực hành sư phạm (THSP) - Đại học Cần Thơ, tham gia một trò chơi tập thể “phản cảm” gây bức xúc, ông Trần Văn Minh - Hiệu trưởng trường THPT THSP, cho biết: Trò chơi trên nằm trong chương trình sinh hoạt dành cho học sinh lớp 10 và đã được Ban giám hiệu trường giao cho Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức. Đáng chú ý, Hiệu trưởng trường THPT THSP - Đại học Cần Thơ, cho biết: "Trò chơi trên có xuất xứ từ Nhật Bản". 

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý giáo dục Hà Nội - TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Hiện tượng học sinh, sinh viên chơi những trò chơi biến tướng gần đây xuất hiện khá nhiều. Nhiều trò chơi thậm chí nhạy cảm khiến người xem, người chứng kiến phải đỏ mặt.

Trước thực trạng trên, ông Lâm cho rằng: Nhà trường là nơi giáo dục, phải cần cân nhắc nên tổ chức cho các em chơi trò nào và không nên chơi trò nào.

"Việc sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi chúng tôi rất hoan nghênh vì nó vừa làm học sinh gắn kết tinh thần với nhau, vừa phát triển thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, phải cân nhắc chơi trò nào phù hợp, nhất là đối với các học sinh đã lớn để không trở nên phản cảm. Đó phải là trò chơi mang tính trí tuệ, mang ý nghĩa nhất định...", TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Trước sự việc tại trường THPT THSP - Đại học Cần Thơ, ông Lâm đặt vấn đề rằng: "Trò chơi dân gian Việt Nam có rất nhiều, mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, không hiểu tại sao trường lại phải đi lấy trò chơi ở Nhật Bản để cho học sinh chơi?"

Theo ông Lâm, trường THPT THSP - Đại học Cần Thơ phải cân nhắc và phải xử lý nghiêm nếu xảy ra những hình ảnh phản cảm.

vu-hoc-sinh-lop-10-choi-tro-phan-cam-tu-nhat-ban-phai-chang-tro-choi-dan-gian-da-het
TS. Nguyễn Tùng Lâm, chuyên gia tâm lý giáo dục Hà Nội.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook đã lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh hai em học sinh nam - nữ đặt một tấm thẻ mỏng lên môi và nằm xuống đất ôm nhau giữ chặt tấm thẻ lăn một vòng rồi chuyền cho người khác gây "phản cảm" cho người xem xảy ra tại trường THPT THSP - Đại học Cần Thơ .

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng những trò chơi phản cảm, không có tính giáo dục và lên tiếng phê phán nhà trường.

Tại buổi họp báo diễn ra vào trưa 24/8, ông Trần Văn Minh - Hiệu trưởng trường THPT THSP cho hay: Nội dung trò chơi là các học sinh cùng giới sẽ đặt tấm thẻ trên trán, má, mũi của người chơi và chuyền cho nhau.

Tuy nhiên, thời điểm đó, do lượng học sinh ùa về Trạm quá đông, khiến Ban Tổ chức không kiểm soát được từ đó mới có tình trạng là một đôi nam nữ tham gia chơi cùng nhau, dẫn đến những hình ảnh mang tính phản cảm.

“Là Hiệu trưởng của trường tôi xin nhận trách nhiệm vì chưa kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai để phù hợp với các em học sinh THPT. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm”, ông Minh nói.

Liên quan đến việc em học sinh đã đăng video này trên trang cá nhân, ông Minh cho biết, em học sinh này quay lại video và đăng lên mạng xã hội chỉ với mục đích làm kỷ niệm. Những thông tin trên mạng cho rằng em này sẽ bị kỷ luật là không chính xác.

Được biết, nhà trường đã yêu cầu học sinh gỡ video nói trên khỏi trang cá nhân của mình.

 

Status hay ngày 12/4: Đã qua rồi cái thời xem học sinh giỏi phải học tốt Toán, Lý, Hóa

Status hay ngày 12/4 đăng tải bài viết của facebooker Nguyễn Cường nhận định về giá trị của việc nhận định học giỏi và dốt trong giáo dục hiện nay.