Hơn 1.000 người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 ở Italia

Thứ sáu, 13/03/2020, 06:35 AM

Italy trở thành điểm dịch nóng nhất ngoài Trung Quốc khi chứng kiến số ca mắc bệnh và thiệt mạng tăng vọt trong nhiều ngày qua.

Một người đàn ông đeo mặt nạ đứng bên ngoài Đấu trường La Mã ở Rome hôm 7/3. Ảnh: AFP

Một người đàn ông đeo mặt nạ đứng bên ngoài Đấu trường La Mã ở Rome hôm 7/3. Ảnh: AFP

Trong ngày 12/3, Italy là điểm “nóng” nhất của dịch bệnh. Giới chức y tế Italy cho biết đã có thêm 189 nạn nhân tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.016 người. Quốc gia Nam Âu này cũng đã ghi nhận thêm 2.651 ca nhiễm bệnh mới, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy lên 15.113 người, tăng mạnh từ mức 12.462 người của ngày trước đó.

Ngoài "tâm dịch" Trung Quốc, Italy hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 nhiều nhất thế giới. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trước đó khẳng định không chỉ có một vùng đỏ, mà toàn bộ Italy trở thành vùng được bảo vệ. Theo đó, một sắc lệnh mới đã được thông qua và áp dụng trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 10/3.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục có xu hướng thuyên giảm. Người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong ngày 12/3 cho biết nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo báo cáo mới nhất của NHC, trong ngày 11/3 Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận thêm 11 ca tử vong, gồm 10 ca tại tâm dịch – tỉnh Hồ Bắc - và 1 ca tại tỉnh Thiểm Tây. Cả nước chỉ ghi nhận thêm 15 ca mới mắc bệnh, giảm so với con số 24 ca trong ngày trước đó.

Cũng theo NHC, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 1.318 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện trong ngày 11/3, nâng tổng số ca xuất viện tại đây lên thành 62.793 người. Chuyên gia dịch tế hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn dự báo đại dịch COVID-19 toàn cầu có khả năng sẽ kết thúc trước tháng 6, nếu các nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát cần thiết.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 8.296 ca nhiễm mới và 342 người tử vong, tăng mạnh so với một ngày trước đó khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19.

Tại châu Âu, dù đã nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2, tuy nhiên có vẻ tình hình như được kiểm soát. 

Áo và Ba Lan cũng đã ghi nhận các ca tử vong đầu tiên. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 12/3 cho biết số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp COVID-19 ở nước này đã tăng lên 84 người, so với 47 ca tử vong được ghi nhận một ngày trước đó. Bộ trên cho hay số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha đã tăng lên 2.968 người, tăng mạnh so với 2.140 ca hôm 11/3.

Theo thông báo tối 11/3 của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, hiện nước này có 2.281 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 497 người trong vòng 24h qua. Trong số này có 105 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Số ca tử vong cũng đã tăng lên 48 người so với 33 ca ghi nhận tối hôm trước. Hiện Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch COVID-19 vì chưa lây lan ra cả cả nước.

Tại quốc gia láng giềng Bỉ, số ca mắc COVID-19 đã lên tới 399 (tăng 85 trường hợp so với ngày hôm trước) và đã có 3 người tử vong. Đến nay, Bỉ đã xét nghiệm được 4.000 mẫu bệnh phẩm trên toàn lãnh thổ. Theo người phát ngôn Chính phủ liên bang Bỉ Emmanuel André, số người mắc COVID-19 tại nước này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và lên đến đỉnh dịch. Hiện tại, các bệnh viện của Bỉ đang tiếp nhận ngày càng nhiều ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới, báo hiệu có thể đang ở thời điểm đầu dịch.

Thụy Điển, thông báo mới nhất từ chính phủ nước này cho biết số ca mắc COVID-19 đã lên tới 635 người, tăng 135 người chỉ trong một ngày. Chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù 6 tháng. Ngoài ra, Chính phủ Thụy Điển còn quyết định "bơm" thêm 1 tỷ SEK (100 triệu USD) vào hệ thống chăm sóc sức khỏe để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nguy hiểm tại châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đình chỉ mọi sự đi lại tới các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày. Quyết định này vấp phải sự phản đối từ phía Liên minh châu Âu (EU). Ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng tuyên bố EU phản đối quyết định của Mỹ đơn phương áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nước châu Âu. Bản thân Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh với 291 trường hợp, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 987 người tại gần 40 bang, trong đó có 29 người đã tử vong. Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 11/3, Giám đốc Viện Dịch bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng của Mỹ Anthony Fauci cho biết dịch COVID-19 có thể nguy hiểm gấp 10 lần so với bệnh cúm mùa.

Bài liên quan