Hơn 90% người Việt Nam đồng ý tiêm vắc xin Covid-19

Thứ bảy, 06/03/2021, 18:30 PM

Đây là nghiên cứu thăm dò do một tổ chức quốc tế thực hiện gần đây. Việt Nam thuộc nhóm có mức độ chấp nhận vắc xin Covid-19 cao nhất.

Đây là thông tin do ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 sáng 6/3. Cụ thể, hơn 90% người dân Việt Nam đồng ý tiêm vắc xin Covid-19. Đây là điều kiện thuận lợi khi mà phần đông người Việt Nam chấp nhận tiêm vắc xin này. 

 Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và Khen thưởng, Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh). 

 Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và Khen thưởng, Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh). 

Cụ thể, đây là khảo sát do Mạng lưới nghiên cứu thị trường độc lập toàn cầu (WIN) thực hiện gần đây. WIN đã thực hiện cuộc khảo sát này đối với 32 quốc gia với gần 27.000 người phản hồi, trong khi cuộc khảo sát tại Phần Lan do công ty Taloustutkimus tiến hành. 

Theo đó, Trung Quốc, Việt Nam và Đan Mạch có mức độ chấp nhận vắc xin Covid-19 cao nhất với hơn 90%. Cũng theo nghiên cứu này, ở Việt Nam, 100% những người được hỏi hoàn toàn ủng hộ các biện pháp chống dịch của Chính phủ. 

Về kế hoạch tiêm vắc xin vào ngày 8/3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết sẽ chọn điểm tiêm tại Hải Dương và một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Bộ Y tế đã phân công 3 Thứ trưởng chỉ đạo các điểm tiêm vì đây là vắc xin lần đầu tiên tiêm, tiêm cho người lớn… Công tác triển khai tiêm chủng đảm bảo thận trọng, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm để từ đó tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn. 

"Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm càng nhanh càng tốt, tăng độ bao phủ càng nhanh càng tốt. Riêng với vắc xin của AstraZeneca, Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

 

Do số lượng vắc xin lần này có hạn chế, Bộ Y tế chỉ phân bổ cho 13 địa phương có bệnh nhân Covid-19. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện rất nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, tạo niềm tin với việc triển khai tiêm chủng, đảm bảo công bằng tiếp cận vắc xin theo đề nghị của WHO, UNICEF và COVAX. Các địa phương chưa được phân bổ lần này cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, các chương trình đào tạo tập huấn. Trong tháng 3, khi có vắc xin về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương để triển khai. Tất các địa phương phải thực hiện theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ về các đối tượng được ưu tiên tiêm. 

Về nguồn cung vắc xin, Bộ Y tế đã đàm phán với COVAX đồng ý cung ứng 30 triệu liều, đã mua 30 triệu liều (có thể về trước tháng 9 này), đang đàm phán với Pfizer để có 30 triệu liều. Đồng thời, Bộ cũng tiến hành đàm phán với các hãng khác. 

"Các hãng đều có yêu cầu ký với Chính phủ, Bộ Y tế nên một số cá nhân, tổ chức tiếp cận với địa phương có thể cung ứng thì đề nghị các địa phương hết sức lưu ý, phải báo ngay Bộ Y tế để chúng tôi quản lý đúng nguồn, đảm bảo chất lượng vắc xin", Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế cùng các địa phương coi như là một để triển khai thật tốt Nghị quyết 21, đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin.

Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương, đặc biệt các cán bộ tiêm chủng thực hiện rất nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, đặc biệt là vấn đề chống sốc đặt lên hàng đầu. Đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên lớn nhất, đòi hỏi thái độ xử lý của cán bộ y tế phải rất nhanh. 

"Phải thực hiện việc xử lý các trường hợp có thể sốc phản vệ nhanh nhất có thể, trong tình huống xảy ra phải rất quyết liệt, rất nhanh mới xử lý được. Vì thế, trong hướng dẫn từ trước đó, Bộ Y tế cho phép kể cán bộ tiêm chủng, y tá thực hiện ngay việc viêm adrenaline. Người được tiêm vắc xin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà", Bộ trưởng nói. 

Bộ Y tế đã mời các tổ chức quốc tế, kể cả mời báo chí quốc tế để thấy Việt Nam thực hiện đúng cam kết, theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong vấn đề tiếp cận vắc xin.

Tại các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng đợt này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện cần lên danh sách cụ thể các đối tượng được tiêm, không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ thầy thuốc và nhân viên y tế làm việc tại đây.