Hong Kong suy sụp, Trung Quốc sẽ mất ‘cửa sổ tài chính’ với thế giới

Thứ tư, 27/11/2019, 12:12 PM

Việc suy thoái kinh tế ở Hong Kong ngày càng sâu sắc và Mỹ đang dọa xem xét tình trạng giao dịch đặc biệt với thành phố này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc, tờ The Guardian ngày 27/11 bình luận.

Một sửa sổ bị vỡ ở Đại học Bách Khoa Hong Kong.
Một sửa sổ bị vỡ ở Đại học Bách Khoa Hong Kong.

Gần 6 tháng các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra, Hong Kong hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu châu Á.

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật đe dọa tình trạng giao dịch đặc biệt của Mỹ với Hong Kong và thành phố này đang rơi vào suy thoái tồi tệ nhất trong 10 năm.

Với việc nền kinh tế năm tới có thể còn khó khăn hơn, những người biểu tình dường như đã đạt được mục đích “Siết chặt nền kinh tế để gia tăng áp lực” mà họ kêu gọi gần đây trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Thương mại là huyết mạch của Hong Kong nhưng nó đang bị chảy máu dữ dội. Nền kinh tế dự kiến sẽ giảm 1,4% trong năm 2019 và các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng có thể giảm tới 3% vào năm 2020 nếu không có sự kích thích tài chính ớn.

Các ngành công nghiệp bán lẻ và du lịch, vốn phát triển mạnh cùng với lượng du khách Trung Quốc khổng lồ trước đây, đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Du khách qua sân bay giảm 13% và số liệu bán lẻ gần đây nhất cho thấy ngành này đã giảm 18% trong tháng Chín so với một năm trước đó. Tuần trước, hãng hàng không Cathay Pacific có trụ sở tại Hong Kong đưa ra cảnh báo về lợi nhuận sụt giảm lần thứ hai trong một tháng. Hãng này cho rằng tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong đã làm giảm 35% số lượng hành khách đến thành phố này vào tháng trước. Cùng ngày, công ty thời trang Burberry của Anh cho biết doanh số bán hàng tại Hong Kong đã giảm hơn 10%. Thậm chí một giải đấu golf quốc tế cũng đã bị hủy bỏ.

hong-kong-suy-sup-trung-quoc-se-mat-cua-so-tai-chinh-voi-the-gioi

Trong bối cảnh đó, việc quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông có thể là mối đe dọa lâu dài và mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế của thành phố này.

Dự luật đã gây phẫn nộ cho Bắc Kinh. Bắc Kinh coi đây là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự luật thành luật, Mỹ sẽ thực hiện một kiểm tra hàng năm về việc Hong Kong có đủ quyền tự chủ hay không để được hưởng điều kiện giao dịch đặc biệt của Mỹ. Nó cũng cho phép trừng phạt các quan chức bị cho là chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền ở Hong Kong.

George Magnus, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư UBS và hiện đang làm việc tại viện IDEAS của Trường Kinh tế London, cho rằng dự luật về Hong Kong có khả năng gây tổn hại cho Trung Quốc.

“Hong Kong là cửa sổ tài chính của Trung Quốc trên thế giới và ngược lại. Thành phố này cho Trung Quốc vay vốn, danh tiếng, cho cả “chì lẫn chài”. Nhưng tất cả những điều này hiện có nguy cơ mất đi”, ông cho hay.

Chưa hết, Hong Kong còn được coi là một kênh dẫn quan trọng cho các doanh nghiệp vào Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, công ty tư vấn Capital Economy nói rằng dự luật về Hong Kong của Mỹ nhấn mạnh cảm giác ngày càng tăng rằng quyền tự chủ của Hong Kong đang ngày càng xấu đi và có thể khiến một số công ty rời đi để tìm kiếm chỗ ở mới ở Đông Á.

“Bản thân dự luật sẽ không trực tiếp làm giảm vị thế quốc tế của Hong Kong trừ khi các quốc gia khác làm theo. Tuy nhiên, nó có thể khiến một số lượng lớn các công ty nước ngoài hoạt động trong thành phố ngày càng tập trung nguồn lực của họ vào các trung tâm tài chính châu Á khác với triển vọng chắc chắn hơn”, Capital Economy nhân định.

Ben Bland, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Sydney nói rằng mặc dù Hong Kong vẫn là một nơi tốt để kinh doanh, nhưng nếu dự luật được thông qua, đó sẽ là một công cụ thay đổi trò chơi tiềm năng.

hong-kong-suy-sup-trung-quoc-se-mat-cua-so-tai-chinh-voi-the-gioi

“Rủi ro về việc Mỹ rút các đặc quyền đặc biệt đối với các giao dịch thương mại của Hong Kong với Mỹ gia tăng. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ có tác động rất, rất tai hại đối với thị trường và kinh doanh Hong Kong”, ông Bland nhận định.

"Hổ vào sở thú cũng không thể biến thành mèo"

Dù vậy, tiềm lực của Hong Kong được cho là vẫn đang rất vững chãi. Thị trường chứng khoán Hang Seng ở Hong Kong, công ty lớn thứ 5 trên thế giới tính theo giá trị của các công ty niêm yết, đã chao đảo gần đây nhưng nhìn chung, nó chỉ mất 2,2% kể từ khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những cư dân giàu có đang chuyển tiền ra khỏi Hong Kong, nơi giá bất động sản vẫn cực kỳ cao bất chấp tình trạng hỗn loạn.

Đối với công ty lớn nhất của Anh, HSBC, từng là Tập đoàn Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải, thành phố này vẫn là thị trường lớn nhất, mang lại hơn một nửa lợi nhuận trước thuế 20 tỷ USD vào năm ngoái. Hong Kong cũng tạo ra khoảng 40% lợi nhuận cơ bản gần 4 tỷ USD của một ngân hàng lớn khác được niêm yết ở Anh, Standard Chartered.

Standard Chartered thừa nhận rằng sẽ là phi thực tế khi nghĩ các cuộc biểu tình sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Một số khách hàng doanh nghiệp, như các nhà bán lẻ địa phương, đặc biệt dễ bị tổn thương.

Nhưng quyền giám đốc điều hành HSBC, ông Noel Quinn, đã khẳng định vào tháng trước rằng cam kết của ngân hàng ở Hong Kong không hề bị nao núng. “Những thời điểm khác nhau trong suốt lịch sử 154 năm của chúng tôi, cả Hong Kong và Vương quốc Anh đều phải đối mặt với những thách thức đáng kể và HSBC đã làm bất cứ điều gì chúng tôi có thể để vượt qua. HSBC luôn có tầm nhìn lâu dài và sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông này nói.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước và không cho phép chính phủ Hong Kong nhượng bộ người biểu tình. Do vậy, thật khó để hy vọng tình hình có thể được giải quyết nhanh chóng và kéo nền kinh tế khỏi suy thoái kinh tế kéo dài.

Dan Harris, một luật sư tại công ty Harris Bricken của Seattle, người đã kinh doanh tại Hong Kong trong nhiều thập kỷ, nói rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra có nghĩa là Hong Kong không còn là trung tâm tài chính quốc tế nữa.

“Đây là một trung tâm kinh doanh quốc tế vì nó dựa trên niềm tin, sự an toàn và luật pháp nhưng tất cả đã biến mất. Các công ty đang tìm cách rời đi. Không ai nghĩ đến việc chuyển đến”, người này nói.

Tuy nhiên, Andrew O'Neil, giáo sư chính trị tại Đại học Griffith ở Úc, cho biết mặc dù có vấn đề, Hong Kong vẫn kiên cường và giữ được sự linh hoạt và cấu trúc pháp lý. Ông cảm thấy việc Trung Quốc can thiệp quân sự vào Hong Kong sẽ không xảy ra vì nó sẽ gây thiệt hại lớn cho Bắc Kinh.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/hong-kong-suy-sup-trung-quoc-se-mat-cua-so-tai-chinh-voi-the-gioi-143080.html