Huế muốn xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã

Thứ ba, 15/08/2017, 17:07 PM

Dự án khu du lịch có cáp treo ở Bạch Mã đã được Thừa Thiên Huế trình lên Bộ Xây dựng và đang đợi phản hồi.

Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này đã trình lên Bộ Xây dựng đồ án  quy hoạch Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, trong đó có hạng mục cáp treo.

" Sau khi xem xét đồ án vào tháng 4/2017, Bộ Nông nghiệp và Bộ Xây dựng đã ban hành công văn góp ý. Đến tháng 6, Thừa Thiên Huế có văn bản điều chỉnh nội dung của đồ án và đang chờ đợi phản hồi của Bộ Xây dựng", ông Trung nói.

Huế muốn xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã
Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ được xây dựng hệ thống cáp treo. Ảnh: Võ Thạnh.

Theo đồ án nêu trên, điểm đầu của cáp treo là khu vực Cầu Hai và điểm kết thúc là tại biệt thự thuộc khách sạn Morin. Dự kiến hệ thống cáp treo sẽ có 3 điểm dừng, trong đó có điểm dừng tại thác Đỗ Quyên.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tuyến cáp treo không can thiệp vào diện tích rừng tự nhiên. "Nói chung là khu du lịch sẽ mang đẳng cấp quốc tế, tôn trọng thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển của Bạch Mã", ông Trung nhấn mạnh.

Huế muốn xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã
Hệ thống cáp treo dự kiến xây dựng ở vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Võ Thạnh.

Đồ án được khởi động từ năm 2014, với việc  UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý chủ trương xây dựng  Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng rộng 300 ha tại vườn Quốc gia Bạch Mã, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng của nhà đầu tư là một công ty cổ phần có yếu tố nước ngoài.

Đến năm 2016, nhà đầu tư  trình bày với tỉnh Thừa Thiên Huế là Khu du lịch sẽ được chia làm 6 phân khu chính, gồm Làng trung tâm, Làng di sản, Làng đỉnh Núi, Làng dịch vụ,  Khu tâm linh và thung lũng thác nước. Để kết nối các phân khu, dự án sẽ xây dựng hệ thống cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã.

Huế muốn xây cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã
Thác Đỗ Quyên sẽ là một trong 3 điểm dừng của hệ thống cáp treo. Ảnh: Bảo Minh.

ờn quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991, tổng diện tích tự nhiên hơn 37 nghìn ha, bao gồm trên 36 nghìn ha đất lâm nghiệp và 522 ha đất khác. Đây được xem là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh học nhất của Việt Nam và trên thế giới.