Huyện miền núi nghèo nhất cả nước vẫn xây cổng chào gần 2 tỷ đồng

Thứ tư, 31/07/2019, 17:09 PM

UBND huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) một trong 62 huyện nghèo nhất trong cả nước gây chú ý khi đầu tư xây dựng cổng chào gần 2 tỷ đồng.

huyen-mien-nui-ngheo-nhat-ca-nuoc-van-xay-cong-chao-gan-2-ty-dong
Cổng chào huyện Minh Long đang được xây dựng: Ảnh: Báo Quảng Ngãi

UBND huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) đang tiến hành xây cổng chào với tổng vốn đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng tại xã Long Mai, huyện Minh Long.

Đáng nói, đây là huyện miền núi của tỉnh và theo con số được đưa cuối năm 2017 thì Minh Long là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, người dân tộc Hre chiếm 71% dân số trong toàn huyện.

Theo quyết định phê duyệt xây dựng cổng chào của UBND huyện Minh Long mà tờ Dân Việt đăng tải, mục tiêu xây dựng là nhằm góp phần thay đổi diện mạo, tăng vẻ mỹ quan và quảng bá hình ảnh địa phương; Tôn vinh, tạo sự uy nghi và thể hiện lòng hiếu khách của người dân huyện Minh Long.

"Vì vậy, việc đầu tư xây dựng công trình cổng chào huyện Minh Long là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách", quyết định nêu.

Trong khi đó, thông tin từ Dân trí cho hay, theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2020 thì huyện Minh Long sẽ được sáp nhập vào huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Việc địa phương xây cổng chào ở thời điểm sắp sáp nhập gây khó hiểu cho nhiều người.

Trả lời nguồn trên, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến, thừa nhận Minh Long là huyện nghèo và bày tỏ có băn khoăn khi quyết định xây, song cho rằng huyện chưa có cổng chào thể hiện sự đổi mới trong thời gian qua.

"Muốn đến Minh Long thì phải đi qua huyện Nghĩa Hành, mà huyện Nghĩa Hành có mấy cái cổng chào, hầu như xã nào cũng có cổng chào. Do đó, người dân có ý kiến là tại sao huyện Minh Long không có cổng chào.

Tuy huyện nghèo nhưng phải tiết kiệm kinh phí để làm cổng chào. Qua ý kiến như thế nên UBND huyện mới xin chủ trương của Huyện ủy, đưa ra HĐND để bàn. Đến năm 2018 mới thống nhất chủ trương xây dựng", Dân trí dẫn lời Chủ tịch UBND huyện Minh Long.

Đây không phải lần đầu tiên địa phương khó khăn đưa ra kế hoạch xin xây trụ sở, cổng chào hoành tráng, trước đó UBND tỉnh Hà Giang đang đề xuất Chính Phủ cho phép tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư và khởi công dự án Hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang. Hà Giang cũng xin hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện.

Dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là gần 30.000 m2, chưa bao gồm tầng bán hầm. Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 700 tỷ đồng.

Lý do được UBND tỉnh Hà Giang đưa ra là các cơ quan hành chính của tỉnh đều được đầu tư từ những năm 1990-1991, nằm rải rác trên địa bàn các phường. Trải qua hơn 25 năm sử dụng, các công trình đã xuống cấp, để tiếp tục sử dụng đòi hỏi cần có nguồn vốn cải tạo, sửa chữa rất lớn…

Trước đề xuất của Hà Giang, dư luận đặt câu hỏi trụ sở cơ quan của tỉnh tuy cũ nhưng đã đến mức ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả công việc chưa mà cần phải xây dựng mới? Hay vì trụ sở cũ không hoành tráng như các địa phương khác nên Hà Giang muốn xây mới cho “bằng anh bằng em”?

Trước việc tỉnh Hà Giang xin Chính phủ hỗ trợ chi phí nhưng Bộ Kế hoạch cho rằng không còn nguồn và yêu cầu tỉnh tính toán lại. 

Trước đề nghị của tỉnh về việc Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, Bộ Kế hoạch cho biết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước 2016-2020 đã giao cho tỉnh Hà Giang gần 8.900 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn này đã được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương nên không còn nguồn bổ sung cho tỉnh Hà Giang xây trụ sở.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tỉnh Hà Giang cần làm rõ sự cần thiết, cấp bách trong thực hiện dự án xây trụ sở này, bởi hiện Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế và đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Bộ này đề nghị Hà Giang làm rõ cơ cấu vốn thực hiện dự án, mức giá thuê dịch vụ hằng năm cũng như cơ chế chi trả, hoàn vốn cho nhà đầu tư...

"Vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm của tình chưa nêu rõ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh hay từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, thời gian chi trả các nguồn vốn chưa đồng nhất", văn bản Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.

 

PC Hải Phòng cho thuê nhà, đất trái quy định: Biểu hiện lạm quyền, tham nhũng

Theo Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh, tình trạng đất công đang được cho thuê trái quy định pháp luật đang diễn ra nhiều nơi, đây biểu hiện của lạm quyền, tham nhũng. Điển hình như trường hợp của PC Hải Phòng.

 

Nợ xấu ngân hàng vẫn có nguy cơ tăng

Với những khoản vay lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn, nguy cơ nợ xấu ngân hàng vẫn tăng dù lợi nhuận các ngân hàng liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm.

 

Đề xuất cấm xuất cảnh đối với người xây nhà trái phép

Lãnh đạo TP HCM yêu cầu xử lý hình sự, cấm xuất cảnh cá nhân vi phạm. Đồng thời, phải bị xử lý ngay cán bộ, công chức, đảng viên làm sai.