Italia kêu cứu

Chủ nhật, 15/03/2020, 11:00 AM

Italy tiếp tục có thêm 175 người thiệt mạng và hơn 3.500 ca mắc mới trong ngày 14/3, nhiều bệnh viện kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ.

Điểm kiểm tra Covid-19 ở Italia. Ảnh: REX.

Điểm kiểm tra Covid-19 ở Italia. Ảnh: REX.

Lời kêu cứu đáng chú ý nhất trong ngày 14/3 được phát đi từ vùng Lombardy, nơi chịu tổn thất nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 tại Italia. Uỷ viên Y tế vùng này, ông Giulio Gallera cảnh báo, hiện các bệnh viện tại vùng Lombardy sắp vượt qua ngưỡng chịu đựng khi phải tiếp nhận hàng trăm ca nhập viện mỗi ngày trong khi chỉ còn chưa đến 20 giường điều trị tăng cường.

Ngoài ra, các đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang chuyên dụng, cũng vô cùng thiếu thốn khiến các y bác sỹ phải đối mặt với rủi ro cực kỳ cao khi chữa trị cho các bệnh nhân.

Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italia, Angelo Borrelli thừa nhận, nước này đang có nhu cầu khẩn cấp với khẩu trang và đồ bảo hộ. Ông Borrelli cho biết trong tuần qua Italia đã đặt hàng 55 triệu khẩu trang từ tất cả các nhà sản xuất trên thế giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các nước Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, chỉ sau khi Uỷ ban châu Âu gây sức ép, hiện mới chỉ có Đức chấp nhận viện trợ cho Italia 1 triệu khẩu trang còn hầu như tất cả các nước châu Âu khác đều im lặng. Việc các nước ồ ạt đóng cửa biên giới cũng khiến việc vận chuyển hàng hoá y tế sang Italia gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng này khiến sự bùng phát của Covid-19 tại Italia chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Trong ngày 14/3, Italia ghi nhận thêm 175 ca tử vong và tới trên 3.500 ca nhiễm mới, cao nhất từ đầu dịch. Tổng cộng, nước này hiện đã có 1.441 bệnh nhân thiệt mạng và 21.157 ca nhiễm.

Nếu không thể làm chậm sự lây lan của virus và giảm số ca mắc mới, các quốc gia có thể chịu cảnh tương tự vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Trong trường hợp đó, ngay cả các bệnh viện ở các nước phát triển có cơ sở chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới cũng có thể phải áp dụng biện pháp như thời chiến, buộc các bác sĩ và y tá đưa ra quyết định khó khăn về việc ai có thể sống và ai thì không.

Thông tin khả quan là số bệnh nhân hồi phục bắt đầu tăng. Trong ngày 14/03, 1.966 bệnh nhân đã khỏi bệnh, tăng hơn 527 trường hợp so với ngày hôm trước. Các video phát trên các mạng xã hội cho thấy người dân Italia đang dần bình tĩnh và lạc quan trở lại khi rủ nhau ra ban công ca hát nhằm động viên tinh thần lẫn nhau.

Trong lúc này, các nước khác tại châu Âu tiếp tục ráo riết đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Tại Đức, chính quyền thủ đô Berlin và thành phố Cologne đã ra quyết định đóng cửa ngay lập tức toàn bộ các quán bar, câu lạc bộ, các rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng. Trước đó, các trường học đã được lệnh đóng cửa từ đầu tuần tới cho đến ít nhất là đầu tháng 4.

Theo số liệu được Viện Robert Koch của Đức công bố ngày 14/3, Đức hiện có 3.062 ca nhiễm Covid-19 và đã có 5 bệnh nhân tử vong, dù theo nhiều nguồn tin con số thực tế cao hơn. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn yêu cầu toàn bộ những người trở về từ Italia, Thuỵ Sỹ, Áo tự cách ly ở nhà trong vòng 2 tuần.

Bộ trưởng Giao thông Đức, Andreas Scheuer cho biết, quân đội Đức có thể được huy động nhằm bảo đảm việc tiếp tế cho các siêu thị cũng như vận chuyển hàng hoá trong trường hợp thiếu nguồn tài xế. Thủ tướng Đức, Angela Merkel tiếp tục kêu gọi người dân Đức hạn chế tiếp xúc và thực hiện cách ly xã hội.

Các nước Đan Mạch và Na Uy chính thức tuyên bố đóng cửa biên giới để chặn dịch. Một loạt các nước châu Âu khác nhiều khả năng sẽ buộc phải áp dụng biện pháp này trong vài ngày tới.

Bài liên quan