Kế hoạch chuẩn bị lực lượng của Thể thao Việt Nam cho SEA Games 31

Thứ ba, 28/01/2020, 07:00 AM

Tổng cục TDTT cùng thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội thành công, trong sạch, để lại ấn tượng tốt với bạn bè.

 

 

SEA Games 22 – Đại hội Thể thao ĐNÁ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức được diễn ra tại Hà Nội.

Kết thúc SEA Games 30, Việt Nam đã chính thức nhận lá cờ đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021. Ở lần thứ hai này, SEA Games lại được diễn ra tại Hà Nội…nơi đã từng tổ chức thành công Đại hội năm 2003.

Dự kiến, SEA Games 31 với quy mô có gần 20.000 người tham gia, trong đó: 3.100 người là trưởng đoàn, cán bộ, HLV; 7.000 VĐV; 1.000 phóng viên; 2.300 trọng tài; 3.000 tình nguyện viên.

Dự kiến SEA Games 31 sẽ có 36 môn (số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, Asiad chiếm khoảng 2/3 tổng số môn; các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một số môn khác theo thông lệ).

Ngành thể thao cũng đã đưa ra danh sách môn dự kiến, trong đó nhóm 1 và nhóm 2 (gồm 25 môn) vẫn bao gồm những môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu của Olympic, ASIAD như: điền kinh, thể thao dưới nước; thể dục, đua thuyền, bắn súng; bóng đá (cả futsal); bóng chuyền… thì nhóm 3 (nhóm các môn phát triển trong khu vực) có sự xuất hiện trở lại của Vovinam; lặn; đá cầu; cờ tướng; thể hình.

Như thông lệ, nước nào làm chủ nhà của SEA Games thì nước đó sẽ đương nhiên đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội. Và để đứng được nhất toàn đoàn, nước đăng cai sẽ đưa vào các môn thế mạnh của riêng mình, khiến ít nhiều chất lượng chuyên môn bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ công tác tổ chức từ SEA Games 30 vừa qua, Tổng cục TDTT cùng thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội thành công, trong sạch, để lại ấn tượng tốt với bạn bè.

Vì vậy, để chuẩn bị cho kỳ đại hội này, Tổng cục TDTT đã có những phương án chuẩn bị lực lượng như sau: Thông qua việc xác định các môn, nội dung thi mà khả năng Việt Nam có thế mạnh ở các môn thuộc nhóm 1, 2, và 3 theo điều lệ SEA Games.

Dự kiến, Việt Nam sẽ tổ chức từ 36 đến 40 môn, trên cơ sở các nội dung tham dự đại hội có thể giành huy chương, rà soát tuyển chọn vận động viên tổ chức tập huấn các vận động viên xuất sắc.Huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao.

Thành lập Hội đồng tuyến chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn.

Dự kiến 2 Vụ sẽ triệu tập tập huấn khoảng 2962 vận động viên, 531 huấn luyện viên và 38 chuyên gia ở các đội tuyến trẻ và đội tuyển quốc gia tại 5 địa điểm tập huấn.

Tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội: 1563 vận động viên, 245huấn luyện viên, 30 trợ lý HLV. Tại 3 địa điểm: Khu A, khu B và Hà Nội.

Tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh: 514 vận động viên, 114 huấn luyện viên, 11 trợ lý HLV. 

Tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng: 350 vận động viên, 68 huấn luyện viên, 3 trợ lý HLV.

Tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ: 273 vận động viên, 56 huấn luyện viên.

Tại Đại học TDTT Bắc Ninh: 226 vận động viên, 48 huấn luyện viên, 2 trợ lý HLV.