Kem Trung Quốc nhập lậu bị bắt, người tiêu dùng ‘đặt cược’ sức khỏe vì ham rẻ

Thứ ba, 18/06/2019, 13:43 PM

Chỉ với lời quảng cáo của người bán là “kem Trung Quốc nội địa”, thông tin sản phẩm mập mờ nhưng người tiêu dùng đang "đặt cược" sức khỏe vì ham của rẻ.

kem-trung-quoc-nhap-lau-bi-bat-nguoi-tieu-dung-dat-cuoc-suc-khoe-vi-ham-re
Hơn 3.000 đồng/que kem Trung Quốc bán tràn lan trên mạng xã hội.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến nhu cầu thực phẩm giải nhiệt tăng cao trong đó có sản phẩm kem. Gõ từ khóa “kem Trung Quốc nội địa” trên tìm kiếm google xuất hiện đến 152 triệu kết quả. Rất nhiêu trong đó là các Fanpage chuyên bán sản phẩm này với giá rẻ.

Qua tìm hiểu, loại kem này chủ yếu được các đầu mối ở Thái Nguyên cung cấp với số lượng lớn cho các tỉnh Miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang...

Giá thấp nhất được bán trên thị trường là 150.000đồng/một thùng 40 que (hơn 3.000đồng/que), ngoài ra, một số đầu mối và cửa hàng khác bán với giá từ 170.000 – 180.000 đồng /thùng 40 que.

Liên hệ với một đầu mối cung cấp kem tại Thái Nguyên qua số điện thoại trên Facebook, giọng một phụ nữ trung tuổi tư vấn cho chúng tôi: “Bọn chị bán một thùng xốp to gồm có 10 hộp nhỏ bên trong, mỗi hộp nhỏ có 40 que kem, nếu lấy cả thùng xốp to hoặc lấy nhiều thùng nhỏ thì giá là 120.000đồng/ hộp 40 que”.

Kem Trung Quốc khoảng từ 11 – 12 vị và nhiều kiểu dáng được cập nhật liên tục. “Kem có hạn sử dụng khoảng từ 1 đến 2 tháng và thường được cung cấp cho các tỉnh thành phía Bắc", chị này nói và quả quyết: “Do chị có người nhà bên Trung Quốc nhập hàng trực tiếp về, nên kem được chuyển về liên tục không qua trung gian nên có giá rẻ”

Thậm chí người này còn giới thiệu, nếu nhập về chỉ bán với mức 5.000 – 6.000 đồng/que, với một hộp đã bán lãi 80.000 đồng. Nếu bán theo giá kem trong nước (trung bình 10.000 đồng/que) số lãi cao hơn.

Một điều dễ nhận thấy, kem Trung Quốc có nguồn gốc và chất lượng sản phẩm không rõ ràng, hạn sử dụng “chung chung”. Một sản phẩm mà chất lượng, nơi sản xuất cụ thể lại hoàn toàn chưa qua kiểm tra đánh giá. Mặt khác, sự xuất hiện tràn lan của loại kem “siêu rẻ” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi kem là sản phẩm cần đến quy trình bảo quản và vận chuyển cẩn thận để đảm bảo chất lượng.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lào Cai) phát hiện và thu giữ lô hàng kem nhập lậu vào Việt Nam. Lô hàng gồm 8.000 que kem các loại, do Trung Quốc sản xuất và được đóng trong 200 hộp giấy. 

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một đối tượng vận chuyển có 3.750 cây kem vị hương trái cây, socola được đóng gói chân không, với khối lượng đồng nhất 50g/que. Toàn bộ số hàng do Trung Quốc sản xuất.

Chủ hàng thừa nhận toàn bộ số kem trên mua tại khu vực cửa khẩu Chi Ma đem về thành phố Lạng Sơn để bán lẻ kiếm lời. Ước tính lô hàng có giá trị trên 20 triệu đồng.

Thực tế này đặt ra câu hỏi các loại kem được giới thiệu “kem Trung Quốc nội địa” phải chăng chính là sản phẩm kem nhập lậu không rõ xuất xứ? Việc mua, sử dụng sản phẩm mập mờ về chất lượng, rõ ràng không ít người tiêu dùng đang ‘đặt cược’ sức khỏe vì ham của rẻ.

 

Bán hàng lỗi, nhân viên giao hàng Tiki còn ‘dọa khủng bố’ khách hàng

Người tiêu dùng bức xúc vì chất lượng sản phẩm, cách phục vụ trịnh thượng, coi thường khách hàng, ngay lập tức bị nhân viên giao hàng Tiki dọa khủng bố bằng cách tạt sơn vào nhà của khách hàng.

 

Giá xăng giảm mạnh từ 15h chiều nay

Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giảm giá xăng, theo đó giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 1.085 đồng/lít, xăng E5 giảm 986 đồng/lít.

 

Lý do người dân vẫn ngại dùng thẻ tín dụng

Hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế. Tuy nhiên, người dân vẫn ngại dùng thẻ tín dụng.