Kết luận Thanh tra Công viên nước Thanh Hà: Kiến nghị xử lý lãnh đạo quận Hà Đông

Thứ tư, 27/05/2020, 12:12 PM

Kết luận thanh tra vụ việc lùm xùm đến Công viên nước Thanh Hà, Thanh tra Hà Nội kiến nghị xử lý trách nhiệm một loạt lãnh đạo, cán bộ quận Hà Đông.

Lùm xùm việc xây dựng, cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).

Lùm xùm việc xây dựng, cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).

Mới đây, Thanh tra Hà Nội đã ban hành kết luận thanh tra trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông), gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Kết luận đã chỉ ra những vi phạm của Chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà lẫn cán bộ chức năng có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm, lùm xùm cưỡng chế.

Chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà cố tình vi phạm, xây dựng không quy hoạch

Kết luận của Thanh tra Hà Nội cho thấy, Công viên nước Thanh Hà nằm trong Khu đô thị Thanh Hà do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Mường Thanh) đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2018 và đến 10/6/2019 hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Quá trình đầu tư xây dựng công viên này đã xảy ra nhiều vi phạm, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương, cụ thể:

Ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông (gọi tắt là Đội TTXD) phối hợp cùng Phòng quản lý đô thị và UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông kiểm tra, phát hiện Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 xây dựng Công viên nước tại ô đất A2.2-CCĐT01 không có giấy phép xây dựng.

Ngay tại thời điểm đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động thi công vi phạm… Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành và tiếp tục xây dựng công viên nước, rồi đưa vào sử dụng.

Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm tại ô đất A2.2 - CCĐT01. Nhưng, sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà chỉ thực hiện tháo dỡ mái che của 4 hạng mục.

Ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông tiếp tục ra văn bản đôn đốc chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm; ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương cũng gửi văn bản “chốt” thời hạn cho chủ đầu tư tự khắc phục hậu quả đến hết ngày 10/1/2020.

Không những xây dựng không phép, Thanh tra cũng cho hay: Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây 19 hạng mục công trình trên diện tích hơn 31.000 m2 thuộc 3 ô đất đã được quy hoạch là đất công cộng, khu ở; đất cây xanh thể dục thể thao (A2.2 - CCĐT01; A2.2 - CXĐT01; một phần A2.1 CXĐT01) và một phần đường giao thông nội bộ khu đô thị…

Theo quy hoạch thì các ô đất nêu trên sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao cho địa phương quản lý song chủ đầu tư đã “hô biến” thành dự án Công viên nước.

Theo kết luận: Việc chủ đầu tư xây dựng công viên nước trên các ô đất không quy hoạch công viên nước đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014.

Cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà có vi phạm

Theo kết luận Thanh tra: Sau nhiều lần đốc thúc, ngày 9/1/2020, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hà Đông, Phòng Tư pháp đã chủ trì hội nghị gồm các cơ quan Công an, kiểm sát, tòa án và UBND phường để kiểm tra, rà soát một lần nữa hồ sơ vi phạm của công viên nước Thanh Hà. Hội nghị thống nhất “…đủ điều kiện tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm”.

Đến ngày 15 và 16/1/2020, các lực lượng chức năng của quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế công viên nước Thanh Hà.

Cho rằng các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế không đúng quy định, gây thiệt hại về vật chất cho doanh nghiệp, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 đã gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội.

Kết quả thanh tra xác định, quá trình thực hiện cưỡng chế công viên nước còn tồn tại, vi phạm. Cụ thể, trước một ngày tổ chức cưỡng chế (14/1/2020), chủ đầu tư có văn bản gửi UBND quận, UBND phường với nội dung “xin cam kết tháo dỡ và thời gian hoàn thành dự kiến hết quý I/2020…” nhưng cơ quan chủ trì cưỡng chế là UBND phường Phú Lương không lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành và không báo cáo UBND quận là vi phạm Điều 34, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, công viên nước bao gồm 19 hạng mục có giá trị lớn (theo hợp đồng hơn 142 tỷ đồng), trong đó có 7 hạng mục có kết cấu khung thép, nhựa composite lắp ghép có thể tháo dỡ nhưng UBND quận đã phê duyệt phương án “dùng máy xúc để phá dỡ” là thiếu cẩn trọng, dẫn đến việc đã phá dỡ cả 7 hạng mục này gây bức xúc cho nhà đầu tư và băn khoăn trong dư luận.

Để xảy ra tồn tại, sai phạm nêu trên, trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách đô thị; ông Đào Quang Vinh Hiển - Phó trưởng Phòng quản lý đô thị quận. Chủ tịch UNBD quận Hà Đông cũng có phần trách nhiệm vì chưa xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến xây dựng trái phép công viên nước…

Cơ quan Thanh tra kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và tổ chức cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà.