Thứ tư, 13/12/2017, 09:57 AM
  • Click để copy

Khám phá quân sự Trung Quốc: Máy bay tiếp dầu trên không

Với vai trò là một siêu cường quân sự luôn muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình vượt ra khỏi những nước láng giềng, vươn tầm thế giới, việc phát triển và duy trì phi đội máy bay tiếp dầu là điều bắt buộc Trung Quốc phải hoàn thành.

Không giống những loại máy bay ném bom tầm xa, nhược điểm chí mạng của những loại máy bay tiêm kích hay cường kích chính là tầm bay chiến đấu của chúng. Tầm chiến đấu của những loại máy bay này chỉ nằm trong vòng khoảng vài nghìn km trở xuống và hoàn toàn không thể đáp ứng yêu cầu của những cường quốc luôn muốn gây ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, các siêu cường đã có giải pháp sử dụng máy bay tiếp dầu trên không để hỗ trợ tăng cường khả năng tác chiến tầm xa của không quân. Trung Quốc cũng không ngoại lệ, dù đi sau Nga và Mỹ về mảng chế tạo máy bay tiếp dầu trên không, nhưng họ cũng đã có những thành công nhất định.

kha-nang-tiep-nhien-lieu-tren-khong-cua-khong-quan-trung-quoc
Máy bay tiếp dầu H6-U của Trung Quốc biểu diễn tiếp dầu cho hai chiếc J-10A trong một lần duyệt binh tại
Bắc Kinh 

Câu chuyện về tiếp dầu trên không của quân đội Trung Quốc bắt đầu từ Kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, nơi họ tham gia với tư cách chuyên gia và có khả năng tiếp cận những xác máy bay Mỹ bị bắn rơi. Tại đây, người Trung Quốc tìm thấy nhiều chiếc ống đặc biệt mà thoạt tiên không ai biết nó được sử dụng làm mục đích gì. Họ đã mang những ống này về nghiên cứu và nhận ra loại công nghệ đáng sợ mà Mỹ đang sử dụng: Tiếp dầu trên không.

Cái tên “tiếp dầu trên không” tưởng như đơn giản nhưng công nghệ đi kèm với nó rất phức tạp. Các máy bay tham gia phi vụ tiếp dầu thường được điều khiển bằng các phi công có trình độ cao, có khả năng thao tác với độ chính xác đến từng milimet trên bầu trời trong khi bay với tốc độ vài trăm km/h.

Chính vì vậy, Trung Quốc phải mất 3 năm nghiên cứu và phát triển dưới sự giúp đỡ tích cực của Anh và Israel, qua hàng trăm lần thử nghiệm hỏng, họ  mới có thể thực hiện chuyến tiếp dầu trên không đầu tiên của quân đội mình vào tháng 12/1991.

kha-nang-tiep-nhien-lieu-tren-khong-cua-khong-quan-trung-quoc
Một máy bay J-8II đang tiếp dầu từ máy bay H6-U. J-8II là xương sống của không quân Trung Quốc trước năm 2010, hiện nay đã được thay thế bằng các máy bay Su-30 và J-10 hiện đại hơn. 

Máy bay tiếp dầu trên không của quân đội Trung Quốc từ khoảng năm 2010 trở về trước toàn bộ là các máy bay H6-U, được hoán cải từ máy bay ném bom H6. Bản thân H6 cũng là loại máy bay được Trung Quốc sản xuất phỏng theo dòng máy bay ném bom phản lực Nga là Tu-16. Năm 1997, Trung Quốc thành lập trung đoàn tiếp dầu trên không đầu tiên với 100% các máy bay H-6U.

So với các loại máy bay tiếp dầu trên không hiện đại khác như KC-135 của Mỹ hay Il-78 của Nga có thể thấy rõ ràng loại máy bay Trung Quốc kém hiện đại hơn. H6-U có khối lượng 75,8 tấn, trong đó lượng nhiên liệu mang theo có thể sử dụng cho mục đích tiếp dầu là 18,5 tấn, trong khi KC-135 có thể tiếp 52 tấn hoặc Il-78 với công suất cực hạn là 89 tấn. Nhờ lượng nhiên liệu lớn, những sản phẩm của Nga và Mỹ có tầm ảnh hưởng xa hơn và khả năng tiếp nhiên liệu năng suất hơn nhiều. 

Sử dụng loại động cơ nội địa Wopen WP-8, máy bay H6-U có tốc độ tối  đa lên tới 1014 km/h và có khả năng hành trình xa tới 5600 km.

kha-nang-tiep-nhien-lieu-tren-khong-cua-khong-quan-trung-quoc
Mô đun tiếp dầu RDC-1 gắn trên máy bay H6-U. Loại mô đun này được sản xuất phỏng theo mô đun Mk.32 của Anh và bị đánh giá là có hiệu suất thấp. 

Quan trọng nhất phải kể đến là mô đun tiếp dầu của H6-U. Mỗi máy bay H6-U được trang bị 2 mô đun tiếp dầu loại RDC-1, có thể tiếp dầu cho hai máy bay cùng lúc.

Mô đun tiếp dầu này được trang sinodefence của Trung Quốc thừa nhận rằng được sản xuất theo thiết kế của loại Mk.32 của Không quân Hoàng gia Anh. Nó được trang bị các cảm biến, van, bơm dầu, bộ cấp điện và một ống tiếp dầu có thể cuộn gọn dài 22,5 mét và được kết nối với thùng nhiên liệu được đặt trong khoang bom đã hoán cải của máy bay H6-U.

Tuy nhiên, hệ thống RDC-1 này được cho là có tốc độ bơm chậm, hiệu suất thấp và không thể đáp ứng được nhu cầu của lực lượng không quân đang phát triển với tốc độ cao của Trung Quốc.

kha-nang-tiep-nhien-lieu-tren-khong-cua-khong-quan-trung-quoc
Chuyên gia Nga giới thiệu về hệ thống tiếp dầu trên máy bay Il-78 Midas cho các đối tác Trung Quốc. 

Chính vì vậy, năm 2003, Trung Quốc đã đặt mua của Nga tổng cộng 8 máy bay tiếp dầu trên không Il-78 Midas. So với H6-U, Il-78 vượt trội về mọi mặt, tầm bay xa hơn, lượng dầu mang tới gần 36 tấn và có thể tiếp dầu cho 3 máy bay cùng lúc. Mô đun tiếp dầu trên Il-78 là loại UPAZ-1 Sakhalin hoặc UPAZ-1A Severin có khả năng tiếp đến gần 1,8 tấn nhiên liệu/phút, tức là đủ để bơm đầy bình nhiên liệu cho bất kỳ loại máy bay tiêm kích nào chỉ trong vài phút. Nhờ loại máy bay tiếp dầu này, Trung Quốc đã có thể so găng sòng phẳng với những chiếc F-15 của Nhật Bản hay các nước khác trong các tranh chấp trên các vùng xa xôi tại biển Hoa Đông hay thậm chí là phía nam biển Đông nếu cần.

kha-nang-tiep-nhien-lieu-tren-khong-cua-khong-quan-trung-quoc
Ảnh đồ họa thể hiện giấc mơ về không quân Trung Quốc tương lai với hình ảnh máy bay tiếp dầu Y-20 đang tiếp nhiên liệu cho một máy bay tiêm kích tàng hình J-31. 

Vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã trình làng loại máy bay vận tải Y-20. Đây là loại máy bay vận tải lớn nhất thế giới hiện đang được sản xuất hàng loạt. Y-20 có khả năng mang tối đã 66 tấn hàng hóa và đạt tầm bay tới 4500 km khi đầy tải. Nước này cũng thông báo họ đang nghiên cứu phát triển một phiên bản tiếp dầu trên không cho loại máy bay này.

Rõ ràng, với thông số kỹ thuật như vậy, bản tiếp dầu của Y-20 có năng lực vượt xa tất cả các loại máy bay tiếp dầu trên thế giới hiện nay như Il-78 Midas của Nga hay KC-135 của Mỹ, giúp không quân Trung Quốc thậm chí vượt ra xa khỏi chuỗi đảo thứ hai, sẵn sàng thách thức Hoa Kỳ trên biển Thái Bình Dương rộng lớn.

 

Khám phá quân sự Trung Quốc: Những 'ông kẹ' không quân (kỳ 1)

Đứng đầu trong đại gia đình hàng không quân sự Trung Hoa đương nhiên là hai công ty Thẩm Dương và Thành Đô.