Khẩu trang y tế đeo sai cách không ngừa được virus Corona

Thứ sáu, 31/01/2020, 12:15 PM

Khẩu trang y tế có thể dẫn đến “cảm giác an toàn sai lầm” trong phòng chống virus Corona từ Vũ Hán nếu bị sử dụng không đúng cách, tờ Chanel News Asia ngày 31/1 dẫn nhận định của nhiều chuyên gia y tế cho hay.

Những người không cảm thấy khỏe và ho nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ người khác.

Những người không cảm thấy khỏe và ho nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ người khác.

Trong bối cảnh virus Corona gây viêm phổi mới từ Vũ Hán đã giết chết 213 người, lây sang gần 10.000 người (tính đến sáng 31/1), khẩu trang y tế trở thành mặt hàng bán chạy tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Jacqueline Ying-Ru Lo, người đứng đầu phái đoàn và đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Malaysia, Brunei và Singapore, cho biết những người không cảm thấy khỏe và ho nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ người khác. Tuy nhiên, bà khẳng định khẩu trang y tế là chưa đủ để phòng bệnh.

“Có rất nhiều điều bạn có thể làm ngoài đeo khẩu trang y tế và phải làm ngoài việc đeo khẩu trang y tế. Chỉ đeo khẩu trang y tế không phải là giải pháp để tránh bị lây nhiễm bệnh”, bà nói.

Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Singapore Lawrence Wong - người đang đồng chủ trì một nhóm đặc nhiệm đa bộ để giải quyết tình trạng virus Corona Vũ Hán - cho biết hôm 30/1 rằng chính phủ sẽ cung cấp cho mỗi hộ gia đình 4 khẩu trang y tế.

Ông nói thêm rằng khẩu trang chỉ nên được sử dụng nếu ai đó cảm thấy không khỏe. "Chỉ sử dụng nó nếu bạn không khỏe và phải ra ngoài gặp bác sĩ", ông Wong nói.

"Đó là lý do đeo khẩu trang, và đây là lý do tại sao chúng tôi đang phân phối cho các hộ gia đình Singapore và đảm bảo với mọi người rằng nếu họ thực sự cần, khẩu trang luôn có sẵn. Hãy nhớ rằng, suy cho cùng, khẩu trang không có khả năng tự động bảo vệ chống lại virus. Nó không phải là thứ bạn có thể đeo và tự động được bảo vệ”, ông nói.

Giáo sư Dale Fisher, chủ tịch Mạng lưới Phản ứng Cảnh báo và Dịch toàn cầu của WHO nói thêm: "Khẩu trang, tôi nghĩ nhìn chung, mang lại cảm giác an toàn sai lầm trong cộng đồng. Nhân viên y tế được đào tạo cách sử dụng chúng, cách vứt bỏ chúng đúng cách, khi nào sử dụng chúng. Tôi thấy rất nhiều người đeo khẩu trang nhưng nó có thể ở trên trán của họ và nó có thể ở dưới cằm của họ”.

“Mọi người có thể không biết cách đeo khẩu trang đúng cách”, Giáo sư Fisher, cũng là một chuyên gia tư vấn cao cấp tại Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Họ có thể chạm vào khẩu trang và sau đó chạm vào mắt hoặc các bộ phận khác trên khuôn mặt hoặc bắt tay với người khác, ông nói thêm rằng những hành động như vậy có thể truyền virus đường hô hấp cho người khác.

"Nếu bạn định đeo khẩu trang, không nên chạm vào nó. Bạn nên tháo nó cẩn thận và sau đó nên rửa tay", giáo sư Fisher nói.

Giáo sư Leo Yee-Sin, giám đốc điều hành của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore, đồng ý với Giáo sư Fisher và nói rằng "cảm giác an toàn sai lầm, có thể, còn tồi tệ hơn".

“Có rất nhiều cách để bảo vệ cá nhân. Khẩu trang chỉ là một trong số đó", bà nói.

"Nếu khẩu trang mang lại cho bạn cảm giác an toàn sai lầm và bạn quên đi phần còn lại (trong số các bước khác) mà bạn cần thực hiện, thì tôi nghĩ đó là tình huống có khả năng tồi tệ nhất”, bà nhấn mạnh.

Việc sử dụng khẩu trang y tế không cần thiết có thể dẫn đến tình trạng thiếu khẩu trang cho những người thực sự cần chúng, chẳng hạn như những người bị bệnh hoặc có khả năng bị bệnh, trong khi dịch bùng phát.

“Trong một tình huống dịch bệnh mới, có khuyến cáo những người bị bệnh hoặc có khả năng bị bệnh nên đeo khẩu trang nhưng không có khẩu trang cho họ, điều đó có thể gây phản tác dụng”, bà nói.