Thứ tư, 09/10/2019, 18:38 PM
  • Click để copy

Khi nào sẽ phân lô đất cho người dân rời khỏi Kinh thành Huế?

Đến cuối tháng 10 này, các nhà thầu sẽ hoàn tất việc phân lô đất và bàn giao đưa vào sử dụng.

khi-nao-se-phan-lo-dat-cho-nguoi-dan-roi-khoi-kinh-thanh-hue
Những ngôi nhà mọc trên Thượng thành.

Cuối tháng 10 sẽ hoàn tất việc phân lô đất

Để phục vụ cho việc di dời gần 500 hộ dân rời khỏi di tích Kinh thành Huế, các gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đang được triển khai.

Theo tìm hiểu, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 1 và 2), phục vụ cho việc di dời dân cư đợt 1 khu vực I, di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế, đến nay, các gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đã đạt trên 92%. Đến cuối tháng 10/2019, các nhà thầu sẽ hoàn tất việc phân lô đất và bàn giao đưa vào sử dụng.

Việc đầu tư các công trình phục vụ dân sinh cũng đang triển khai như trường học, hệ thống kênh mương thoát nước... Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng đang triển khai việc thiết kế mẫu nhà để cho người dân tham khảo. 

khi-nao-se-phan-lo-dat-cho-nguoi-dan-roi-khoi-kinh-thanh-hue
Những ngôi nhà tạm bợ làm mất cảnh quan di tích.

Về dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (khu vực Thượng thành), hiện nay, các phường đã hoàn thành xác nhận 250/250 hồ sơ về sử dụng đất ở và đất có nhà ở; thẩm định điều kiện bồi thường về đất cho 187/250 hồ sơ, sau đó niêm yết công khai đến ngày 15/11 để UBND thành phố Huế phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hình thức từng đợt, cuốn chiếu.

Để chủ động cho việc thực hiện dự án trong năm 2020 và các năm tiếp theo, UBND thành phố Huế đề nghị UBND tỉnh và HĐND tỉnh sớm thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đối với dự án giải tỏa khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào và Tuyến phòng lộ cùng các dự án xây dựng hạ tầng khu vực 3,4,5 tại khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ.

Xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo chất lượng

Liên quan đến tiến độ đầu tư các khu tái định cư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế, mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có những chỉ đạo.

khi-nao-se-phan-lo-dat-cho-nguoi-dan-roi-khoi-kinh-thanh-hue
Hơn 40 năm qua, bà Trần Thị Huệ sống trong không gian chật hẹp ở Thượng thành.

Cụ thể, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, di dân khu vực Kinh thành Huế là dự án di dân lịch sử không chỉ ổn định cuộc sống vốn rất khó khăn của người dân trong Kinh thành Huế, mà còn để thực hiện công tác chỉnh trang, bảo tồn di sản phục vụ cho phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung.

Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Huế, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải trực tiếp, chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng để dự án triển khai đảm bảo đúng tiến độ và đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ông Thọ yêu cầu, việc đầu tư xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo chất lượng, phải là "kiểu mẫu" để bà con nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng để an cư lạc nghiệp; đồng thời, phải giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân.

khi-nao-se-phan-lo-dat-cho-nguoi-dan-roi-khoi-kinh-thanh-hue
Ông Thọ trong một lần đi kiểm tra tiến độ xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu dân cư.

Đến cuối năm 2019, phải thực hiện xong việc giao đất ở tại khu tái định cư mới và thực hiện công tác di dời cho các hộ khu vực Thượng thành (gần 500 hộ); cùng với đó, thành phố Huế phải phối hợp ngay với các sở, ngành liên quan để triển khai việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ (giai đoạn 2) để đến cuối năm 2020 có từ 2.200 - 2.500 lô đất tái định cư phục vụ cho công tác di dời cho những hộ dân còn lại nằm trong dự án.

Ông Thọ cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải lên phương án bàn giao, tiếp nhận mặt bằng giữa các bên với sự chứng kiến, xác nhận của các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời, có phương án quản lý, dọn dẹp, tạo mặt bằng sạch để tránh trường hợp tái lấn chiếm, xuất hiện tệ nạn xã hội...

Đề án di dời 4.200 hộ dân với hơn 15.000 người ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem là cuộc di dân lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mục tiêu nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 1,5 vạn dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích Kinh thành Huế.

Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.