Kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ lớn đến mức nào?

Thứ ba, 17/09/2019, 08:19 AM

Kể từ khi thành lập, Kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ mới được dùng có ba lần. Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Trump ra lệnh dùng kho dự trữ này sau khi các cơ sở dầu của Arab Saudi bị tấn công.

Một con đường ở Mỹ vào những năm 1973. Kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược Mỹ được thành lập vào năm 1975 để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Một con đường ở Mỹ vào những năm 1973. Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Mỹ được thành lập vào năm 1975 để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi Arab Saudi bị mất 50% sản lượng sản xuất dầu và khả năng dự phòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút dầu từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Mỹ. Kho dầu này của Mỹ lớn đến mức nào và nó sẽ có tác động thế nào đối với nguồn cung dầu thế giới?

Ba ngày trước Giáng sinh năm 1975, Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford đã ký một đạo luật tạo ra kho dự trữ dầu thô dùng cho trường hợp khẩn cấp đầu tiên của Mỹ -  quốc gia bị tổn thương bởi lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab Saudi từ năm 1973.

Vào thời điểm đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là tổ chức kiểm soát nguồn cung dầu thô của thế giới. Nhưng ngày nay, Mỹ đã trở thành một trong những nhà sản xuất dầu, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Hôm 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép sử dụng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi cuối tuần qua. Các cuộc tấn công nhằm vào trung tâm sản xuất năng lượng của Arab Saudi, đánh bật khoảng 5% nguồn cung dầu của thế giới và khiến giá dầu tăng vọt.

Trong bối cảnh hiện nay khi khả năng sản xuất và dự phòng về sản lượng dầu của Arab Saudi bị tổn thương, Mỹ trở thành quốc gia duy nhất thực sự sở hữu khả năng điều chỉnh cung ứng toàn cầu thông qua việc có thể tăng sản lượng của chính mình, mở Kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược Mỹ  hoặc làm dịu các lệnh trừng phạt các nhà sản xuất dầu lớn khác như Iran và Venezuela.

Theo CNN, Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Mỹ chứa 645 triệu thùng - nguồn cung dầu dự phòng lớn nhất thế giới.

Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Mỹ (SPR) là một khu phức hợp gồm bốn địa điểm dọc theo bờ vịnh Texas và Louisiana, có các hầm lưu trữ dưới lòng đất, sâu từ 600 đến 1.200 mét. Lượng dầu nhiều nhất từng nằm trong kho dự trữ này là 727 triệu thùng trong năm 2009.

Chỉ có tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng Kho Dự trữ Dầu Chiến lược, và điều đó mới chỉ xảy ra ba lần.

Lần SPR được sử dụng gần đây nhất là vào tháng 6/2011 khi tình trạng bất ổn dân sự ở Libya tác động đến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Chính phủ Mỹ lo lắng rằng sự gián đoạn nguồn cung sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu mong manh vẫn đang hồi phục sau cuộc Đại suy thoái, đã ra lệnh bán ra 30 triệu thùng trong kho.

SPR cũng được dùng vào năm 2005 sau khi bão Katrina tàn phá các cơ sở chế biến dầu của Mỹ gọc theo Vịnh Mexico. Lần đầu tiên SPR được dùng là vào năm 1991 khi Mỹ tấn công Iraq.

Tuy nhiên, bất cứ việc rút dầu từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ nào cũng không thể thúc đẩy ngay lập tức nguồn cung toàn cầu. Khoảng thời gian dầu được đưa ra khỏi kho và bán vào thị trường sẽ mất khoảng hai tuần.

 

5 lo ngại về nguồn cung dầu sau khi các cơ sở dầu Arab Saudi bị tấn công

Cuộc tấn công vào trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Arab Saudi gây thiệt hại cho cả cơ sở chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong gần 4 tháng qua, gây ra nhiều lo ngại về nguồn cung dầu thế giới.

 

Người Houthi ở Yemen đang phát động chiến tranh dầu mỏ mới?

Tổ chức đầu tiên lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ không kích vào cơ sở sản xuất dầu lớn nhất Arabia Saudi ngày 14/9 là lực lượng phiến quân Houthi, vốn có đầy đủ động cơ lẫn phương tiện để thực hiện đợt tấn công.

 

Mỹ - Iran tranh cãi về vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê-út

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran tấn công vào các nhà máy xăng dầu của Saudi Arabia và cho rằng Tehran đã ngụy tạo bằng chứng ngoại giao giả. Phía Iran thì cho rằng Mỹ và các đồng minh “mắc kẹt” ở Yemen, việc đổ lỗi Iran trong việc các nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công “sẽ không chấm dứt được thảm họa”.