Không để một bộ vừa đá bóng, vừa thổi còi!

Thứ năm, 11/06/2020, 19:00 PM

Chỉ đạo tại phiên thảo luận về dự luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) sáng 11/6, Thủ tướng nói rằng: Phải làm rõ vai trò của các bộ, ngành, không để một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu. Ô nhiễm môi trường đe doạ cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặt ra.

Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường, nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận và khẳng định, sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. Chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên việc này lặp đi lặp lại nhiều nơi nhức nhốI”.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Nghị quyết của từng chi bộ phải quán triệt việc này. “Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Rồi vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở đâu trong việc này?”

Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

Đề cập trách nhiệm của bộ máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường, không thể một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm. Sửa luật, theo Thủ tướng, là để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân.

“Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hỡn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường” Thủ tướng nêu chỉ đạo.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) cho rằng Luật Bảo vệ môi trường cần phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trình độ công nghệ của Việt Nam.

“Khi mới có thu nhập bình quân 2.000 USD thì khác, còn quốc gia có thu nhập 10.000 USD phải khác. Nếu áp mức tiêu chuẩn cao quá sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, của xã hội” – đại biểu Thanh chỉ ra.

Nhấn mạnh luật quan trọng là tính khả thi, ông Thanh nói, nếu chỉ đưa ra các quy định nặng cảm tính thì không có nhiều ý nghĩa.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn).

Tán thành việc coi đây là “luật gốc” cho công tác bảo vệ môi trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, một nguyên tắc quan trọng trong áp dụng pháp luật là tính hệ thống. Xét theo đó, đại biểu Nghĩa cho rằng, khi “đụng” đến các vấn đề liên quan đến BVMT cần ưu tiên áp dụng luật này.

Nhất trí với việc quản lý, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cả ở hai giai đoạn tiền kiểm và hậu kiểm đối với các dự án, đại biểu Nghĩa nhận định cách phân chia này thì tiện lợi. Tuy nhiên, ông khuyến cáo cần phải rất minh bạch chứ không thì sẽ lại phát sinh tình trạng để dự án loại này “chạy chọt” sang loại khác để “né” ĐTM.

Bài liên quan