Khu Vệ Tuất: Bí ẩn cảnh vệ Trung Hoa ( phần 2)

Thứ bảy, 15/12/2018, 03:11 AM

Khu Vệ Tuất hiện có biên chế mạnh, với khoảng 30.000 quân.

(Tiếp theo và hết)

Khu Vệ Tuất: Bí ẩn cảnh vệ Trung Hoa ( phần 1)

khu-ve-tuat-anh-la-ai-1
Một đơn vị phản ứng nhanh của Khu Vệ Tuất

Tổ chức và biên chế

Trong lịch sử, Khu Vệ Tuất đã từng có trong biên chế 4 sư đoàn bộ binh, với mỗi sư đoàn được biên chế tăng cường từ 5-6 trung đoàn. Tuy nhiên, các sư đoàn 2 và 4 đã bị giải thể. Hiện nay, Khu Vệ Tuất có tổng quân số khoảng 30.000 người, gồm 2 sư đoàn bộ binh (số 1 và số 3), sư đoàn pháo cao xạ dự bị Bắc Kinh, trung đoàn cảnh vệ độc lập 17, trung đoàn phòng hóa dự bị, và trung đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị.

Sư đoàn 1 là sư đoàn trang bị nhẹ, cơ động nhanh. Sở chỉ huy sư đoàn đóng ở quận Hải Điến, tây bắc Bắc Kinh. Trong biên chế sư đoàn 1 gồm có 5 trung đoàn: trung đoàn 3 (trang bị nặng), trung đoàn 4 và 5 (đơn vị phản ứng nhanh, trang bị nhẹ), trung đoàn 6 (tức Đoàn Cảnh vệ Trung ương), và Đoàn nghi lễ Cảnh vệ khu Bắc Kinh.

Trong số các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 của Khu Vệ Tuất, thì nổi tiếng nhất là Trung đoàn 6 (phiên hiệu từ tháng 10/2000 là Trung đoàn 61889). Đây là đơn vị bảo vệ trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc, là đơn vị tiếp nối truyền thống của tiểu đoàn cảnh vệ Trung ương Đảng từ thời kì ở Diên An. Trong lịch sử, đơn vị này thường được biết đến với tên gọi “bộ đội 8341”, gắn liền với một truyền thuyết về việc cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã được một vị thần báo trước việc mình sẽ sống thọ 83 tuổi, và cầm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 41 năm (tính từ Hội nghị Tuân Nghĩa tháng 01/1935).

Năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông mất, đơn vị cảnh vệ được đổi tên thành Trung đoàn 57003. Cũng trong năm này, bộ đội cảnh vệ do Tư lệnh Uông Đông Hưng chỉ huy đã tổ chức bắt nhóm “bè lũ bốn tên” tại Hoài Nhân Đường và Phong Trạch Viên, thuộc Trung Nam Hải. Cuộc vây bắt có sự tham gia ở vòng ngoài của Khu Vệ Tuất và các đơn vị trung thành với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, song chủ công ở vòng trong là 18 sĩ quan trung đoàn cảnh vệ. Đến tháng 8/1977, Trung đoàn Cảnh vệ trung ương được nâng lên thành Sư đoàn Cảnh vệ Trung ương. Đến tháng 5/1982, Sư cảnh vệ lại được hạ cấp trở thành Đoàn Cảnh vệ trung ương. Sau đó, Trung đoàn nằm trong đội hình Sư đoàn 1 của Khu Vệ Tuất.

khu-ve-tuat-anh-la-ai-1
Uông Đông Hưng - chỉ huy nổi tiếng của bộ đội 8341

Một đơn vị khác của Sư đoàn 1 Khu Vệ Tuất là Đoàn Nghi lễ Cảnh vệ khu Bắc Kinh. Đây cũng đồng thời là đơn vị thực hiện các nghi lễ nhà nước và quân đội Trung Quốc. Binh sĩ của Đoàn Nghi lễ phải có thân hình cân đối, chiều cao 192cm trở lên. Khi thi hành nhiệm vụ, Đoàn Nghi lễ Cảnh vệ khu Bắc Kinh sử dụng nhiều loại trang bị, quân phục riêng biệt. Đây cũng chính là đơn vị thực hiện các nghi lễ đổi gác và thượng cờ trên Quản trường Thiên An Môn.

khu-ve-tuat-anh-la-ai-2
Bộ đội Đoàn Nghi lễ Cảnh vệ khu Bắc Kinh

Sư đoàn 3 của Khu Vệ Tuất lại là một sư đoàn trang bị nặng, với đủ các loại hỏa lực của xe tăng, pháo binh, phòng không trong biên chế. Sở chỉ huy sư đoàn đóng ở quận Thông Châu, đông nam Bắc Kinh. Biên chế Sư đoàn 3 bao gồm 3 trung đoàn cảnh vệ số 11, 12, 13, cùng trung đoàn pháo binh, trung đoàn pháo cao xạ, trung đoàn xe tăng, và các tiểu đoàn, đại đội binh chủng khác.

Trong lịch sử, Sư đoàn 3 của Khu Vệ Tuất là một đơn vị giàu truyền thống. Năm 1949, sư đoàn được thành lập trên cơ sở Sư đoàn 16, Lộ quân thứ 6 của Dã chiến quân Hoa Đông, mang phiên hiệu Sư đoàn 70. Tổ chức của sư đoàn trong giai đoạn đầu gồm có 3 trung đoàn bộ binh, và trung đoàn pháo binh. Trong nội chiến Quốc - Cộng ở Trung Quốc, Sư đoàn 70 đứng chân trong đội hình Quân đoàn 24. Tháng 09/1952, Sư đoàn tham gia Chí nguyện quân Trung Quốc, có mặt trong nhiều chiến dịch quan trọng ở giai đoạn cuối của chiến tranh kháng Mỹ, viện Triều, tiêu biểu là trận Thượng Cam Lĩnh. Ước tính, sư đoàn đã gây thương vong cho 9.600 quân địch trên chiến trường Triều Tiên.

Từ tháng 10/1955, sư đoàn rời bán đảo Triều Tiên, chuyển thuộc cho Đại quân khu Bắc Kinh. Đến tháng 04/1960, sư đoàn được tái tổ chức thành sư đoàn bộ binh cơ giới hóa (motorized infantry), bộ đội được cơ động bằng xe cơ giới. Sư đoàn chuyển trung đoàn bộ binh 209 trong biên chế thành một trung đoàn pháo cao xạ. Ngày 05/11/1960, trung đoàn xe tăng và pháo tự hành 275 được thành lập và gia nhập biên chế sư đoàn. Tháng 01/1960, trung đoàn bộ binh cơ giới hóa 209 được tái lập, trong biên chế sư đoàn có đủ 3 trung đoàn bộ binh cơ giới hóa (208, 209, 210), 1 trung đoàn pháo binh (350), 1 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn xe tăng và pháo tự hành.

khu-ve-tuat-anh-la-ai-1
Một trung đoàn pháo cao xạ Khu Vệ Tuất diễn tập đánh đêm

Đến cuối tháng 10/1962, sư đoàn được chuyển thành sư đoàn bộ binh cơ giới (mechanized infantry), được trang bị các xe chiến đấu bộ binh cùng nhiều khí tài mới, trở thành sư đoàn bộ binh cơ giới thứ hai của lục quân Trung Hoa (sau Sư đoàn bộ binh cơ giới 1). So với thời kì trước, khi chỉ là một sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, thì sức chiến đấu của sư đoàn tăng lên rất nhiều lần. Mỗi trung đoàn bộ binh cơ giới có trong biên chế thêm một tiểu đoàn xe tăng.

Ngày 15/06/1966, sư đoàn tách khỏi đội hình Quân đoàn 24, chuyển thuộc về Cảnh vệ khu Bắc Kinh, và được đổi phiên hiệu thành sư đoàn cảnh vệ 3. Các trung đoàn bộ binh cơ giới 208, 209, và 210 lần lượt đổi phiên hiệu thành trung đoàn cảnh vệ 7, 8, và 9. Đến tháng 08/1969, trung đoàn xe tăng và pháo tự hành 275 đổi tên thành trung đoàn tăng cận vệ 3, trung đoàn pháo binh 350 đổi tên thành trung đoàn pháo dã chiến cận vệ 3. Trong thập niên 60 và 70, sư đoàn chỉ duy trì 1 trung đoàn bộ binh cơ giới, và cũng chỉ trung đoàn này là có tiểu đoàn xe tăng riêng.

khu-ve-tuat-anh-la-ai-1
Pháo cao xạ Khu Vệ Tuất khai hỏa trong đêm

Từ ngày 31/12/1974, sư đoàn trở thành đơn vị “biểu diễn”, làm nhiệm vụ trình diễn tác chiến cho lãnh đạo Đảng - Nhà nước Trung Quốc và khách quốc tế, cũng như là đơn vị thử nghiệm các vũ khí mới của lục quân.

Bước sang tháng 01/1979, ngay trước cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Việt Nam, mặc dù không tham chiến, song sư đoàn cảnh vệ 3 cũng đổi phiên hiệu 3 trung đoàn cảnh vệ thành 11, 12, và 13. Đến năm 1998, trung đoàn cảnh vệ 12 bị giải thể, trung đoàn tăng đổi tên thành trung đoàn thiết giáp cảnh vệ 3.

khu-ve-tuat-anh-la-ai-2
Tướng Vương Xuân Ninh - Tư lệnh Cảnh vệ khu Bắc Kinh

Sư đoàn pháo cao xạ dự bị của Cảnh vệ khu Bắc Kinh có trong biên chế 5 trung đoàn pháo cao xạ dự bị, sở chỉ huy sư đoàn đóng tại quận Hoài Nhu, phía bắc Bắc Kinh.

Từ tháng 7/2016, chỉ huy của Cảnh vệ khu Bắc Kinh là Trung tướng Vương Xuân Ninh, Tư lệnh Tập đoàn quân 12 cũ. Chính ủy của Cảnh vệ khu Bắc Kinh là tướng Khương Dũng, nhậm chức từ tháng 12/2014.

 

4 cách ông Tập Cận Bình đưa quân đội Trung Quốc mạnh nhất thế giới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa quân đội đạt đến đẳng cấp thế giới, vượt qua nhiều thách thức.

 

Đại tá Trung Quốc 'đòi' đâm tàu chiến Mỹ trên Biển Đông

Đại tá Không quân Dai Xu, Chủ tịch Viện Hợp tác và An toàn Hải dương Trung Quốc kêu gọi đâm tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông, tờ Global Times ngày 9/12 đưa tin.