Khuấy đảo thế giới 2020: Brexit đến hạn và sự suy yếu của NATO

Thứ hai, 27/01/2020, 07:00 AM

Ngày 28/10, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, tức đến ngày 31/1/2020. Khoảng thời gian gia hạn kéo dài 3 tháng này được cho là đủ để Thủ tướng Anh xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

 

 

Chân dung tân Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Nghiên cứu của nhà kinh tế học người Anh Dan Hanson cho thấy Brexit đã tiêu tốn của quốc gia này khoảng 130 tỷ bảng Anh (170 tỷ USD), và ước tính việc Anh nhanh chóng rời khỏi EU sẽ làm tăng thêm 70 tỷ bảng Anh (91 tỷ USD) vào cuối năm 2020.

Ước tính của Bloomberg Economics về chi phí hàng năm cho nước Anh năm 2020 là cao nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 về Brexit, vì chi phí kinh tế cho Vương quốc Anh đã tăng tốc mỗi năm kể từ cuộc bỏ phiếu lịch sử này. Nền kinh tế của Anh vượt trội so với ước tính của các nhà phân tích trong những tháng sau cuộc bỏ phiếu vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn mạnh. Vào năm 2017, tăng trưởng bắt đầu tụt dốc khi đồng bảng Anh tăng cao và làm chậm tăng trưởng thu nhập một chút vào hoạt động chi tiêu.

Trong khi đó, quá trình nỗ lực hoàn thành các bước thông qua thỏa thuận Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vấp phải 3 thất bại liên tiếp tại Thượng viện chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ trong ngày 20/1.

Thất bại nặng nề nhất liên quan đến kế hoạch cho phép các thẩm phán Anh ở những tòa cấp thấp được bác bỏ những phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sau Brexit.

Trước đó đã xuất hiện những lo ngại về việc Thủ tướng Johnson có ý định loại bỏ cam kết của người tiền nhiệm Theresa May về việc chuyển tất cả luật EU vào luật Anh, đồng nghĩa với việc các phán quyết của ECJ chỉ có thể bị Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, hoặc Tòa Thượng thẩm xứ Scotland (thuộc Anh) bác bỏ. Tuy nhiên, thay vào đó, ông Johnson bổ sung một điều khoản mới vào Thỏa thuận Brexit sau chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử sớm, cho phép Chính phủ chỉ đạo các tòa án diễn giải luật của EU và cho phép các tòa cấp thấp hơn bác bỏ phán quyết của ECJ.

Tuy nhiên, tối cùng ngày, các Thượng nghị sĩ thuộc mọi đảng phái đã bỏ phiếu bác bỏ điều khoản bổ sung này và cảnh báo đây có thể được xem là sự can thiệp vào tính độc lập của ngành tư pháp. Ngay sau đó, là thất bại thứ 3 với việc Thượng viện thông qua một điều khoản bổ sung, cho phép các vụ việc được chuyển lên Tòa án Tối cao để quyết định việc áp dụng hay tách khỏi luật của EU đối với vụ việc đó. 

Nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thất bại tiếp theo trong những ngày tới, khi các Thượng nghị sĩ chuẩn bị thảo luận quyết định của chính phủ trong việc tước bỏ điều khoản về hỗ trợ đối với những trẻ em tị nạn khỏi dự thảo thỏa thuận Brexit.

Cựu Thủ tướng Theresa May đã bổ sung những điều khoản bảo đảm trên vào dự thảo thỏa thuận Brexit của mình, nhưng hầu hết các điều khoản này đã biến mất trong dự thảo Brexit mới sửa đổi của ông Johnson. Tuy nhiên, theo luật pháp Anh, các đề xuất của Thượng viện chỉ mang tính khuyến nghị chứ không có giá trị bắt buộc đối với chính phủ. Với việc đảng Bảo thủ chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện, gần như chắc chắn những đề xuất của Thượng viện sẽ bị bác bỏ khi dự thảo thỏa thuận Brexit được đưa lại cho các hạ nghị sĩ trong tuần này, và lộ trình đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/1 tới của ông Johnson sẽ không bị ảnh hưởng.

Dù muốn hay không, sự trì hoãn này có ý nghĩa thêm thời gian cho cả Anh lẫn châu Âu chuẩn bị trước một cuộc chia ly không hề dễ dàng. Không chỉ vấn đề về kinh tế, đến nay, sự ra đi của Anh sẽ ảnh hưởng nhiều đến các quyết đoán về chính trị và quân sự của khu vực. Trước đây, Anh – Pháp – Đức luôn đồng hành cùng nhau chèo lái EU trước các biến cố. Việc Anh rời khối liên kết, lãnh đạo nước Đức lại đang yếu thế dần trong nước và Pháp cố trỗi dậy như nhà lãnh đạo khu vực đang khiến tình hình chính trị ở châu Âu trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, chỗ dựa vững chắc về quân sự, khối NATO cũng đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Tổng thống Pháp tố NATO đang “chết não”, nước Anh bận “việc nhà”, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “gây sự” với đồng minh khi mua vũ khí Nga còn Tổng thống Mỹ luôn nghi ngại về toàn bộ tiền đề của siêu cường đang bảo vệ cho phương Tây. Tất cả những điều đó cho thấy tương lai chính trị của NATO rất mơ hồ, một điều tưởng hiếm thấy nhưng lại là khá hiển nhiên. Năm 2020 là thời điểm khối quân sự mạnh nhất thế giới này sẽ phải giải quyết câu chuyện của nội bộ, hoặc đối mặt với sự tan rã – một điều đến nay không còn là chuyện không tưởng.