Khuấy đảo thế giới 2020: Hòa đàm Mỹ - Triều Tiên

Chủ nhật, 26/01/2020, 07:00 AM

Khó có cơ hội để Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý tham gia vào các “show diễn” của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2020.

 

 

Khó để có một cú bắt tay vui vẻ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên trong năm 2020.

Năm 2019 từng được khai mở bởi cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim vào tháng Hai tại Hà Nội. Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức rộn ràng, được đánh dấu như một mốc son lịch sử, nhưng rồi lại kết thúc bởi cả hai nhà lãnh đạo không thể có tiếng nói thống nhất.

Tháng 6/2019, hai người lại gặp gỡ và bắt tay nhau ở Bàng Môn Điếm. Tuy nhiên, một lần nữa cuộc gặp gỡ lại chỉ là màn trình diễn ngoại giao do ông Trump chủ ý. Sau cuộc gặp, Triều Tiên thận trọng hơn rất nhiều trước Mỹ. Thậm chí, quốc gia này còn liên tục tái thử nghiệm các hệ thống tên lửa của mình, bất chấp đã từng cam kết ngừng việc này từ giữa năm 2018.

Kết luận về hai năm có nhiều cuộc gặp cấp cao nhưng không thể ra được bất cứ quyết định nào, Triều Tiên cho biết họ cảm thấy "bị lừa".

"Bị lừa"

Ông Kim Kye-gwan, cố vấn Bộ Ngoại giao Triều Tiên và là cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân, cho biết nước này đã nhận được thư chúc mừng sinh nhật mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Chủ tịch Kim Jong-un.

Cố vấn Kim nói rằng Chủ tịch Kim thích Tổng thống Trump nhưng sẽ không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến vấn đề của đất nước. “Mặc dù hai lãnh đạo có mối quan hệ tốt đẹp, sẽ là sai lầm nếu Mỹ mong chờ đối thoại được khôi phục”, ông Kim tuyên bố.

Vị quan chức cho rằng Triều Tiên đã bị Mỹ lừa dối trong thời gian qua và bị mắc kẹt trong cuộc đối thoại gây mất thời gian. Ông khẳng định Triều Tiên sẽ không từ bỏ các cơ sở hạt nhân chỉ để được nới lỏng một phần cấm vận, đồng thời chỉ quay lại bàn đàm phán khi Mỹ chịu nhượng bộ. “Chúng tôi biết rõ rằng Mỹ không sẵn sàng và cũng không thể làm như vậy”, ông Kim nói.

Triều Tiên tái thử tên lửa và thay đổi bộ máy đối ngoại

Những tháng cuối năm 2019, rất nhiều tin tình báo của các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang có nhiều hoạt động tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân ở nước này.

Triều Tiên ngừng phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân từ cuối năm 2017 để theo đuổi con đường đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nước này từ giữa năm 2019 khôi phục việc phóng thử tên lửa và các loại vũ khí khác, đồng thời hối thúc Mỹ thay đổi thái độ đàm phán. Tính đến hết tháng 11/2019, Triều Tiên đã 13 lần thử tên lửa các loại. 

Vào ngày 19/1/2020, theo nguồn tin của Yonhaps, chính quyền Triều Tiên đã bổ nhiệm ông Ri Son-gwon, người đóng vai trò nổi bật trong các cuộc đàm phán liên Triều Tiên làm Bộ trưởng Ngoại giao mới. Bước đi được xem là báo hiệu sự thay đổi chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Mỹ.

Năm 2020, hạn định hòa đàm Mỹ - Triều sẽ kết thúc nếu cả hai bên không thể hòa thuận về quyền lợi. Đây là thử thách khó khăn cho cả hai nhà lãnh đạo khi mà ông Trump cần “lấy uy” cho cuộc bầu cử vào cuối năm, còn Chủ tịch Kim cần một bước chuyển mình thật sự cho đất nước.