Kịp thời cứu sống bệnh nhân xuất huyết não do vỡ phình dị dạng mạch não

Thứ bảy, 27/06/2020, 18:45 PM

Một bệnh nhân 63 tuổi ở Thừa Thiên Huế bị xuất huyết não do vỡ phình dị dạng mạch não vừa được các bác sỹ kịp thời cứu sống.

Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não do vỡ phình dị dạng mạch não. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân.

Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não do vỡ phình dị dạng mạch não. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân.

Ngày 27/6, Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, Trung tâm Đột quỵ bệnh viện đã cứu sống kịp thời một trường hợp đột quỵ do vỡ phình mạch máu não.

Đó là trường hợp của bệnh nhân Hồ Thị L. (63 tuổi, ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bệnh nhân L khởi phát với triệu chứng đau đầu nhiều, không có yếu liệt tay chân. Bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới trong 6 ngày, nhưng bệnh không cải thiện, tình trạng đau đầu ngày càng tăng.

Sau đó, vào ngày 22/6, bệnh nhân L được tuyến dưới chuyển lên điều trị tại khoa Nội A, Bệnh viện Trung ương cơ sở 2 với chẩn đoán viêm não, màng não.

Các bác sĩ đã chỉ định chụp phim cắt lớp sọ não kịp thời, nghi ngờ có tình trạng xuất huyết dưới nhện; một dạng đột quỵ nguy hiểm thường do vỡ túi phình mạch não.

Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn cấp cứu trực tuyến giữa các bác sĩ khoa Nội A, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 với các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 qua hình ảnh trên mạng PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) đã được kết nối giữa các khoa trong toàn viện, giữa bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 và cơ sở 2; thống nhất chẩn đoán: Xuất huyết dưới nhện nghi do vỡ phình mạch não.

Bệnh nhân L được khẩn trương chuyển viện vào Trung tâm Đột quỵ. Tại đây, các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành chụp mạch não và can thiệp cho bệnh nhân.

Kết quả chụp mạch não phát hiện một túi phình mạch não phía bên phải kích thước 5mm x 3mm, động mạch mang phình uốn cong nhiều đoạn và đặc biệt nguy hiểm do túi phình đang chảy máu.

Bệnh nhân chuẩn bị được cho xuất viện trong tuần tới. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân.

Bệnh nhân chuẩn bị được cho xuất viện trong tuần tới. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân.

Nhận định đây là một tình huống cấp cứu, phải khẩn trương tối đa, vì chỉ cần chậm trễ vài phút là tính mạng bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm. Không chần chừ, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành can thiệp đặt coil (những vòng xoắn kim loại) bít túi phình mạch não và cầm máu, thủ thuật thành công chỉ sau hơn 30 phút từ lúc khởi mê.

Hiện tại, sau 3 ngày can thiệp, bệnh nhân chỉ còn đau đầu nhẹ, hoàn toàn tỉnh táo, không có yếu liệt tay chân và chuẩn bị được cho xuất viện trong tuần tới.

Theo tìm hiểu, xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não là một loại đột quỵ nguy hiểm và thường bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, vì thông thường người bệnh chỉ có biểu hiện đau đầu, không có yếu liệt.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bênh nhân thường tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế. Tỷ lệ tử vong rất cao lên đến gần 80% nếu túi phình vỡ lại hoặc đang chảy máu. Điều trị loại bỏ phình có hai phương pháp cơ bản là can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật kẹp cổ phình bằng clip.

GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Đột quỵ với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là đội ngũ nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, tiếp thu nhanh nhạy các kỹ thuật y học tiên tiến, luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc và không ngừng trau dồi chuyên môn.

Đội can thiệp ứng phó nhanh và tận dụng tối đa thời gian trên từng ca cấp cứu, hiện đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật cấp cứu đột quỵ não bao gồm cấp cứu đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não. Đã triển khai tất cả các kỹ thuật Can thiệp phình mạch để có thể xử lý tối đa các loại phình mạch bao gồm thả coil, Stent - coil, bóng - coil, đặt stent chuyển dòng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ não nặng.

Hệ thống kết nối hình ảnh y khoa (mạng PACS) trong toàn viện, giữa bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1 và cơ sở 2 đã giúp hội chẩn cấp cứu kịp thời, để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn, kịp thời của các khoa liên quan Cấp cứu Đa khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại Thần kinh… trong toàn viện cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công. ​

Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới cấp cứu đột quỵ được hình thành, kết nối các Trung tâm y tế, các bệnh viện trong nội tỉnh, thậm chí là các bệnh viện ngoại tỉnh với Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Trung ương Huế đã góp phần cứu chữa kịp thời các bệnh nhân đột quỵ não từ tuyến dưới chuyển lên.

Cho đến hiện nay, chỉ với 2 năm thành lập nhưng Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công, cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ, không ít trường hợp như bệnh nhân L.

Được biết, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế vừa đạt giải thưởng Platium của Hội Đột quỵ Thế giới dành cho các Trung tâm, Khoa Đột quỵ đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ.

Bài liên quan