Kỳ họp thứ 9: Họp trực tuyến đợt 1, Quốc hội bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia

Chủ nhật, 26/04/2020, 13:00 PM

Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ dành thời gian làm về công tác nhân sự trong đó có việc bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, miễn nhiệm Phó Thủ tướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 9 sẽ có 1 đợt họp trực tuyến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 9 sẽ có 1 đợt họp trực tuyến.

Theo chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 24/4 vừa qua, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nên hình thức họp tại kỳ họp này sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về hình thức tiến hành kỳ họp thứ 9. Kết quả, đa số ý kiến (59/63 Đoàn ĐBQH) nhất trí việc tổ chức kỳ họp thứ 9 theo 02 đợt trực tuyến và tập trung.

Theo báo Lao động, đợt 1 của kỳ họp sẽ tổ chức theo hình thức họp trực tuyến, diễn ra trong 8,5 ngày, bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5. Đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6 (bế mạc kỳ họp).

Đợt 1 dự kiến sẽ gồm các nội dung: Khai mạc kỳ họp; đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội (nếu có), nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Đợt 2 (Họp tập trung): Quốc hội xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 9 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và đây là cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động.

Đây cũng là Kỳ họp của đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả đất nước sau chống dịch tập trung sức để phục hồi kinh tế, xây dựng phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp 9 và đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư để sớm hoàn thành nội dung này.

"Chúng ta có phê chuẩn miễn nhiệm, bầu nhân sự ngay kỳ họp này. Vì vừa rồi có Phó Thủ tướng được phân công công tác mới", bà Ngân nói.

Như vậy, tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 này, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người được Bộ Chính trị phân công, bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Theo quy định, việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng của ông Vương Đình Huệ phải do Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội thường kỳ trong năm.

Một nội dung khác về nhân sự dự kiến tại kỳ họp 9 sắp tới là Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Dự kiến, vào ngày 17/6 (trong đợt 2 của kỳ họp, họp bằng hình thức tập trung), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và công bố kết quả bầu.

Vào ngày 18/6, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Bài liên quan