Kỹ sư Thanh Hoá sáng chế thành công máy sấy gỗ chân không hiệu suất lớn nhất Việt Nam

Thứ năm, 04/03/2021, 11:17 AM

Với niềm đam mê sáng chế, cải tiến máy móc để đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất, anh Đỗ Văn Long đã cho ra đời máy sấy gỗ chân không với năng suất lên đến 100m3 gỗ/ngày.

Máy sấy gỗ giúp giảm thiểu chi phí và hiệu quả cao

Máy sấy gỗ giúp giảm thiểu chi phí và hiệu quả cao

Máy sấy gỗ chân không “Made in Việt Nam”

Vốn là một kỹ sư cơ khí, từng đi lắp đặt và sữa chữa máy móc cho nhiều nhà máy, anh Đỗ Văn Long (sinh năm 1964 tại Thanh Hóa) được nhiều người biết đến nhờ sự tài hoa và sáng tạo. Anh Long chia sẻ: bản thân rất đam mê công việc sáng chế, anh thường cải tạo các loại máy móc, đặc biệt là các loại máy đời cũ hoặc không có phụ tùng thay thế. Trong quá trình vận hành các loại máy trong sản xuất gỗ công nghiệp, không ít lần anh Đỗ Văn Long tìm cách sửa chữa khi máy hư hỏng, xuống cấp, hiệu suất hoạt động yếu. “Tôi bắt đầu lắp đặt máy cho các nhà xưởng chế biến gỗ khoảng 6 năm nay, trong quá trình lắp ráp thiết bị nhiều khi rất trăn trở, đặc biệt là tôi thấy vấn đề sấy ván gỗ rất khó khăn, nhất là ván keo. Chi phí các đơn vị phải bỏ ra quá lớn nhưng hiệu quả lại không tương xứng. Điển hình như các loại máy của Trung Quốc hay Ấn Độ phải nhập về hàng chục tỷ đồng, nhưng hiệu quả mỗi ngày chỉ đạt khoảng 60 – 70m3 gỗ/ngày. Chưa kể chi phí về nhân công và các chi phí phát sinh khác”.

Kỹ sư Đỗ Văn Long

Kỹ sư Đỗ Văn Long

Thực tế đó đã thôi thúc kỹ sư Đỗ Văn Long sáng chế ra máy sấy gỗ chân không “made in Việt Nam” với hiệu quả cao nhưng chi phí rất thấp. Anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng này từ 4 năm trước. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, chiếc máy sấy gỗ chân không đã ra đời và hoạt động tốt. Đây là thành quả lớn sau những ngày “nếm mật nằm gai” của chàng kỹ sư 6X. Mô tả về quy trình vận hành của máy sấy gỗ, anh Đỗ Văn Long cho hay: đầu tiên máy sấy khí khô, sau đó hút chân không, lò sấy được đốt bằng rác thải ở nhiệt lượng thấp nên hạn chế tối đa khí thải ra môi trường.

“Để cho ra đời chiếc máy này, tôi đã nghiên cứu các ưu nhược điểm của các máy sấy gỗ khác nhau trên thị trường như máy sấy gỗ cao tần, máy sấy gỗ hơi nước, năng lượng mặt trời… Tôi nhận thấy nếu sáng chế ra máy sấy gỗ chân không thì sẽ đem lại hiệu quả lớn mà an toàn, thân thiện với môi trường”. Ưu điểm của chiếc máy sấy gỗ chân không “Made in Việt Nam” của anh Đỗ Văn Long chính là hiệu suất lớn, thời gian sấy nhanh hơn gấp 3 lần, chất lượng gỗ sấy tốt hơn, giảm tỷ lệ khuyết tật của sản phẩm, đạt hiệu quả lên tới 99%, tiêu thụ được lượng rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, anh Long đã cho vận hành máy sấy gỗ chân không và nhận được hiệu quả ngoài sự mong đợi.

Empty
Máy sấy gỗ hiệu suất cao nhất cả nước

Máy sấy gỗ hiệu suất cao nhất cả nước

Máy sấy gỗ cho sản lượng lớn nhất cả nước

Ngày 21/2/2021, chiếc máy sấy gỗ chân không do anh Đỗ Văn Long sáng chế đi vào vận hành chính thức. Máy được đặt tại công ty TNHH chế biến nông lâm sản Ngô Huy Dũng (khu phố Thấm Sơn, Yên Cát, Như Xuân, Thanh Hóa).

Với sản lượng lên đến 100m3 gỗ/ngày, đây là chiếc máy sấy gỗ cho hiệu suất cao nhất cả nước. “Theo tôi được biết, ở nước ta chưa lò sấy nào cho ra sản lượng 100m3 gỗ/ngày cả, cao nhất là khoảng 60 - 70m3 gỗ/ngày mà thôi, chưa kể chi phí vận hành các loại máy đó lại rất đắt”. Quá trình chạy thử cho thấy, các khối gỗ khi được sấy bằng công nghệ chân không rất sạch, khí thải ra môi trường ít và mặt gỗ ít bị bám bụi. Chi phí để anh Long sáng chế ra máy sấy gỗ này chỉ hết khoảng 3 tỷ đồng, thấp hơn so với các máy nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tới hàng chục tỷ đồng.

Empty
Máy sấy gỗ cho ra sản lượng lên đến 100m3 gỗ/ngày.

Máy sấy gỗ cho ra sản lượng lên đến 100m3 gỗ/ngày.

“Hiện nay tại nhiều nước công nghiệp phát triển, công nghệ sấy chân không đã được áp dụng từ lâu, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa áp dụng phổ biến do chi phí đầu tư ban đầu khá cao và vận hành phức tạp. Tôi mong rằng máy sấy gỗ chân không của mình sẽ giúp các đơn vị khắc phục được nhược điểm trên”. Với công năng vượt trội mà giá thành rẻ, sản phẩm “Made in Việt Nam” này chắc chắn sẽ giúp được nhiều nhà máy, cơ sở chế biến gỗ gia tăng sản lượng, giảm thiểu chi phí. Đây cũng là mong muốn của kỹ sư Đỗ Văn Long trong quá trình nỗ lực lao động sáng tạo của mình./.