Thứ sáu, 22/11/2019, 10:42 AM
  • Click để copy

Lã Vọng thuê đất vàng giữa thủ đô giá chỉ ngang vài bát phở/m2: Ai tiếp tay?

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 9 dự án mà Tập đoàn lã vọng làm chủ đầu tư đồng thời nêu rõ những khuyết điểm, trách nhiệm của các cơ quan của Hà Nội như Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, UBND TP.

Dự án khu đô thị Ngôi Nhà Mới (New House City) của tập đoàn Lã Vọng được đầu tư 2.000 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2008. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ đến nay, vẫn còn nhiều phần bỏ hoang, nhiều căn biệt thự vẫn.... thả cỏ mọc.
Dự án khu đô thị Ngôi Nhà Mới (New House City) của tập đoàn Lã Vọng được đầu tư 2.000 tỷ đồng sau 1 thập kỷ vẫn còn nhiều căn biệt thự ... thả cỏ mọc. (Ảnh: Nguyễn Nam).

Thuê ngàn m2 đất vàng với giá nông nghiệp

Dư luận đang quan tâm đến thông tin một loạt sai phạm của Tập đoàn Lã Vọng vừa bị Thanh tra Chính phủ "phanh phui".

Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra cho thấy, ở 9 dự án "vàng" tại Thủ đô Hà Nội, Lã Vọng đang dính các sai phạm về làm chỉ định thầu, không qua đấu giá...

Đặc biệt, qua kết luận thanh tra về Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những sai phạm của chính quyền Hà Nội khi "ưu ái" Lã Vọng bằng việc chỉ định giao dự án ngàn tỉ mà không qua đấu thầu, cho thuê đất giá bèo...

Trên thực tế những sai phạm về sử dụng đất của Lã Vọng từ lâu đã được báo chí và dư luận chỉ mặt nhưng câu chuyện Lã Vọng được thuê hàng ngàn m2 đất vàng giữa Thủ đô với giá bèo bọt chỉ ngang vài bát phở (khoảng 187.000 đồng/m2) đã làm nhiều người phải bất ngờ.

Ai có thể tưởng tượng nổi hơn 10.000 m2 đất giữa khu trung tâm như đường Trần Duy Hưng mà mỗi mét đất được ví như "vàng thỏi" lại được TP Hà Nội cho Công ty Lã Vọng thuê theo giá đất nông nghiệp với thời hạn 50 năm, mức giá khoảng 187.000 đồng/m2?

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ: "Các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 khu đô thị đông nam đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy)... Theo phê duyệt ban đầu, các ô đất này có tổng diện tích hơn 10.000 m2 được quy hoạch bãi đỗ xe và cây xanh tập trung từ năm 2005.

Sau đó, UBND TP Hà Nội điều chỉnh cục bộ trên các lô đất và cho Công ty Lã Vọng thuê theo giá đất nông nghiệp với thời hạn 50 năm, mức giá khoảng 187.000 đồng/m2. Công ty Lã Vọng đã dùng làm mặt bằng kinh doanh thương mại, kinh doanh nhà hàng, ẩm thực và bãi đỗ xe, gây thất thu tiền sử dụng đất".

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định hình thức làm dự án đổi đất đang làm lợi rất nhiều cho doanh nghiệp vì thế Hà Nội cũng như các địa phương cần chấm dứt ngay. 

Cũng theo các chuyên gia việc làm dự án theo hình thức BT tiềm ẩn lợi ích nhóm, dự án chính không được doanh nghiệp chú trọng. "Trong khi các dự án BT còn dang dở thì doanh nghiệp chỉ chăm chăm tập chung xây dựng trên đất đối ứng để bán dự án lấy lời còn dự án BT thì dang dở mãi không xong", một chuyên gia kinh tế bày tỏ.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo kết luận thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã mắc nhiều sai phạm, tham mưu không đúng quy định pháp luật dẫn tới nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tại dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, giai đoạn 2009-2016 UBND TP Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên Tổng Công ty Sông Đà là đơn vị được giao chủ đầu tư nhưng không đề xuất được dự án để triển khai thực hiện.

Giai đoạn từ 2017 đến nay, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham mưu phê duyệt đề xuất dự án thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy mô dự án bổ sung đoạn Ba La – Chúc Sơn vào Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Chúc Sơn – Xuân Mai với quy mô toàn tuyến Ba La – Xuân Mai và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đấu thầu dự án.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành để tham mưu cho Hà Nội việc lựa chọn hình thức đầu tư theo quy định.

Dự án Louis City Đại Mỗ được Lã Vọng đổi từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 6. (Ảnh: Báo Công lý).
 Dự án Louis City Đại Mỗ được Lã Vọng đổi từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 6. (Ảnh: Báo Công lý).

Ngoài ra, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của nhà đầu tư để trình quỹ đất giao đối ứng thanh toán BT, đề xuất giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm quy định tại Luật đất đai 2013.

Theo kết luận thanh tra, mặc dù lãnh đạo Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán BT.

Việc tham mưu không đúng quy định pháp luật của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Danh mục 39 ô đất được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trình phần lớn trùng khớp với danh mục đề xuất của Công ty CP Đầu tư Louis Group, trong khi công ty này chưa được lựa chọn là nhà đầu tư nên chưa có quyền đàm phán hợp đồng BT của dự án. Các đề xuất này chưa được Hà Nội chấp nhận và tổ chức thực hiện nên chưa xảy ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước nhưng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình thường trong quần chúng nhân nhân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền TP Hà Nội.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quỹ đất được đề xuất dùng làm quỹ đất đối ứng dự án BT để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất.

Trường hợp UBND TP Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước.

“Đối với các sai phạm trong công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư về các tờ trình liên quan, để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định. Những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhận công việc khác, không được tiếp tục công tác tham mưu về kế hoạch và đầu tư”- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Cũng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Sở Tài chính thành phố Hà Nội căn cứ vào kết quả kiểm toán giá trị đầu tư hạ tầng toàn bộ khu đô thị năm 2012 là 102,33 tỷ đồng để phân bổ chi phí hạ tầng cho tổng diện tích 29,73 ha các ô đất, đơn giá chi phí hạ tầng là 344.226 đồng/m2, để tính tiền suất đầu tư hạ tầng phải nộp năm 2016 là không có cơ sở.

Cơ quan thanh tra xác định, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng dịch vụ công cộng là không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2005, làm thay đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

“Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP Hà Nội”, văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đại gia Lê Văn Vọng biết trước "biến cố"?

Ông Lê Văn Vọng (SN 1977) được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Lã Vọng với chuỗi nhà hàng ẩm thực, hầm rượu, hầm bia Lã Vọng. Trong những năm qua, Tập đoàn Lã Vọng còn được biết đến là một doanh nghiệp bất động sản với hàng loạt dự án BT tại Hà Nội.

Công ty cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập vào ngày 2/8/2016 do ông Lê Văn Vọng làm Chủ tịch HĐQT.

Tập đoàn này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Hải (100 tỷ đồng); bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng) và ông Lê Văn Vọng (300 tỷ đồng).

Tập đoàn Lã Vọng và các doanh nghiệp thành viên được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án như: Dự án Ngôi nhà mới ở Quốc Oai; Dự án New House Xa La; Dự án xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình (BT); Dự án Khu đô thị Louis City…

Tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện các dự án của Tập đoàn Lã Vọng.

Song trước đó, tháng 1/2018, Tập đoàn Lã Vọng có công bố thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thông tin tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại Tập đoàn Lã Vọng không còn thể hiện.

Dư luận nghi ngờ phải chăng anh em ông Lê Văn Vọng dường như biết trước “có biến” nên đã thoái vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng?

Việc ông chủ chiếc Rolls-Royce biển 15555 thoái sạch vốn tại nhiều doanh nghiệp khiến người ta nhớ lại động thái tương tự của nhiều đại gia trước đó. Cũng gốc Hà Nội như ông Vọng là đại gia Trần Đăng Khoa (Khoa “Keangnam”). Tại Đà Nẵng là ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”). Ông Vũ “nhôm” cũng đã thoái sạch vốn của mình ở hàng loạt công ty sau khi “có biến” trong vụ đất công ở Đà Nẵng.

Link gốc:https://baosuckhoecongdong.vn/la-vong-thue-dat-vang-giua-thu-do-gia-chi-ngang-vai-bat-pho-m2-ai-tiep-tay-142797.html