Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng năm Canh Tý?

Chủ nhật, 26/01/2020, 12:39 PM

Theo các chuyên gia, hiện lãi suất huy động đã giảm bớt áp lực tăng như năm 2019 nhưng mặt bằng lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao hơn so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, hiện lãi suất huy động đã giảm bớt áp lực tăng như năm 2019 nhưng mặt bằng lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao hơn so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, hiện lãi suất huy động đã giảm bớt áp lực tăng như năm 2019 nhưng mặt bằng lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao hơn so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn tối thiểu (CAR) (theo Thông tư 22 có hiệu lực bắt đầu từ năm 2020, tiêu chuẩn Basel II được áp dụng cho toàn bộ hệ thống, nhưng mới chỉ có khoảng 18/38 ngân hàng đạt chuẩn này), cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ 01/10/2022.

Cụ thể, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: từ 01/01/2020 đến 30/9/2020 là 40%; từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 là 34%; sau 01/10/2022 là 30%.

Theo BVSC, một thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

BVSC cho rằng dù chỉ số giá cả (CPI) có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu... nhất là trong nửa đầu năm 2020.

Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong nửa cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể.

TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng nhận định lãi suất, tỉ giá cơ bản sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay. Theo đó, lãi suất huy động có thể tăng cục bộ khi một số ngân hàng chịu áp lực tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II, Thông tư 22 về giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng với lạm phát kỳ vọng ở mức thấp dưới 4%, chủ trương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất cho vay cơ bản sẽ ổn định.

Riêng với tỉ giá, các chuyên gia của BIDV dự báo, tỉ giá sẽ ổn định nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và cung cầu khá cân bằng... Tỉ giá USD/VNĐ có thể tăng nhẹ xoay quanh mức 1%-2%.

Ra Tết thị trường chứng khoán sẽ thế nào? Giới phân tích dự báo nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ và duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục qua Tết mà do xác suất thị trường tiếp tục tăng điểm sang sau Tết là tương đối lớn – khoảng 80% và sự tăng điểm của thị trường thường nhận được sự hỗ trợ từ khối lượng và giá trị giao dịch bùng nổ, thông tin trên báo Tiền Phong.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại nhà nước quy mô lớn, cho rằng đang có dư địa và cơ hội để giảm lãi suất, dù cơ quan quản lý phải thực hiện rất nhiều giải pháp điều hành đồng bộ.

Theo phân tích của vị lãnh đạo ngân hàng này, lạm phát năm 2019 ở mức 2,7%, lãi suất huy động bình quân ở nhiều ngân hàng hiện chỉ khoảng 4,5-4,7%/năm... Lãi suất phải phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, do đó với mức lạm phát thấp như hiện nay, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất.

"Việc một số ngân hàng thương mại gần đây đẩy lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên 8%-9%/năm mang tính chất kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định theo tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn. Nếu lãi suất huy động giảm cùng với việc ngân hàng quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, quản trị tốt chi phí hoạt động... sẽ có điều kiện hạ lãi vay" - vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng này nhận xét.

Với tỉ giá USD/VNĐ, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank cho rằng tỉ giá được kỳ vọng sẽ biến động không quá 1% cho cả năm 2020.

Ở chiều ngược lại, mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng có thể đạt được với những yếu tố hỗ trợ như nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất. Tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định với mức biến động hợp lý của VNĐ so với các quốc gia khác trong khu vực...

Đáng lưu ý, các chuyên gia phân tích cũng đánh giá Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một số biện pháp mang tính hành chính trong trường hợp cần thiết để hạn chế áp lực cạnh tranh về huy động tiền gửi giữa các ngân hàng.

Bài liên quan