Lãi suất tăng, kiều hối ‘chảy’ về nước chủ yếu gửi tiết kiệm ngân hàng

Thứ ba, 11/12/2018, 09:54 AM

Dù gửi USD tại Việt Nam lãi suất chỉ 0% nhưng nếu chuyển đổi sang tiền đồng lãi suất lên đến gần 9%/năm điều này lý giải vì sao kiều hối về Việt Nam lại được gửi tiết kiệm ngân hàng.

lai-suat-tang-kieu-hoi-chay-ve-nuoc-chu-yeu-gui-tiet-kiem-ngan-hang
Lãi suất tăng, kiều hối ‘chảy’ về nước chủ yếu gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh minh họa

Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới.

Trong năm 2017, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam lên đến 13,8 tỷ USD, tăng so với con số 11,9 tỷ USD năm 2016.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đang đi ngược lại với nhiều dự báo, thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và thắt chặt chính sách nhập cư. Cùng với đó Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất lên từ 2 - 2,5% trong khi lãi suất USD tại VN là 0% sẽ khiến lượng kiều hối về Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua thu hút dòng kiều hối tiếp tục đổ về mạnh mẽ. Việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam đã thu hút dòng kiều hối chảy mạnh vào thị trường bất động sản.

Ngoài ra việc lãi suất tiền đồng liên tục tăng thời gian qua cũng thu hút lượng kiều hối lớn. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM 10 tháng qua đạt 3,8 tỷ USD.

Hiện các ngân hàng trong nước đang tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, đặc biệt là những kỳ hạn dài trên 12 tháng để đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm cũng như đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Điển hình như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa nâng mức lãi suất tiết kiệm VNĐ ở các kỳ hạn dài, tối đa tới 0,7 điểm phần trăm/năm. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên tới 8,5%/năm khi khách hàng gửi từ 13 tháng và 8,6%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng ở sản phẩm Phát Lộc Thịnh Vượng. Ở sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất cao nhất cũng lên tới 7,6%/năm với kỳ hạn từ 13 tháng và 7,8%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ ở các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng từ 5,3%-6,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức phổ biến 6,5%-7,3%/năm.

Tuy nhiên, ở nhiều ngân hàng thương mại, mức lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên đã cán mốc 8,5%/năm, thậm chí xấp xỉ 9%/năm. Cùng với việc điều chỉnh lãi suất trên biểu lãi suất huy động thông thường, một số ngân hàng áp dụng chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất với mức khá cao.

Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động thông thường kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm nhưng nếu tham gia sản phẩm Tiết kiệm Đắc Lộc Tài cùng kỳ hạn sẽ được lãi suất tới 8,1%/năm. Hoặc khách hàng gửi tiền thông thường kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm nhưng nếu gửi theo sản phẩm tiết kiệm Đắc Lộc Phát kỳ hạn 13 tháng lãi suất tới 8,35%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital), khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên lãi suất là 8%/năm. Còn mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng ở kỳ hạn từ 24 tháng 8,6%/năm.

Hiện mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường được ghi nhận tới thời điểm này xấp xỉ 9%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đang áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất từ 0,5%-2%/năm khi khách hàng tham gia gói tiết kiệm M-Savings. Mức lãi suất tối đa người gửi có thể nhận được ở sản phẩm này là 8,9%/năm.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi bằng USD đang duy trì ở mức 0%. Với mức chênh lệch này, dòng kiều hối có xu hướng chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. So sánh mức lãi suất gửi tiền đồng so với gửi trực tiếp bằng USD tại Mỹ thì với mức lãi suất tiền đồng hiện nay, Việt kiều chuyển tiền về nước gửi tiết kiệm vẫn lời hơn.

 

Nghịch lý giá xăng giảm, giá cước vận tải không nhúc nhích

Một nghịch lý đã lặp đi lặp lại nhiều năm khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải không nhúc nhích.

 

Muốn ‘đấu’ Grab, Liên minh taxi phải bỏ qua quyền lợi riêng

Theo ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu không thay đổi tư duy từ quản lý, cách phục vụ, bỏ qua quyền lợi riêng thì rất khó cạnh tranh Grab.

 

Vụ việc bán 100 USD bị phạt 40 triệu đồng: Quyết định phạt hợp lý?

Liên quan đến việc UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh trái phép ngoại tệ và vàng miếng, công an TX Thái Hoà đã thông tin với báo giới.