'Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được'

Thứ năm, 05/11/2020, 20:15 PM

Sau khi nghe báo cáo từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về diện tích rừng tự nhiên, Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Đoàn Gia Lai) cho rằng thật khó tin.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề rừng vào chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tổng diện tích rừng của Việt Nam hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha.

“Như vậy, so với 30 năm trước, lúc đó chúng ta chỉ có 9 triệu ha rừng, thì đương nhiên diện tích rừng tự nhiên tăng lên là 1,3 triệu ha”, Bộ trưởng Cường nói.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Cường khẳng định chất lượng rừng tự nhiên của chúng ta chưa được tốt. Theo đó, trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, còn 50% là rừng trung bình, 35% là rừng nghèo.

Theo Bộ trưởng Cường, đây là vấn đề chúng ta phải có trách nhiệm cải thiện. Bộ trưởng Cường cũng cho biết, Quốc hội cũng đã yêu cầu cho vấn đề này.

Cụ thể, với rừng tự nhiên phải bằng chính sách khoanh nuôi bảo vệ để đảm bảo độ đa dạng về sinh học và trữ lượng rừng cũng phải tăng lên. Kể cả 4,3 triệu ha rừng trồng, Bộ trưởng Cường cũng cho biết thời gian tới sẽ phải thay đổi kết cấu cây trồng lâu năm.

Sau phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp (Đoàn Gia Lai) cho rằng, việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu cảm thấy con số Bộ trưởng Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai sai”.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) băn khoăn về diện tích rừng tự nhiên hiện nay. (Ảnh: Dân Trí).

Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) băn khoăn về diện tích rừng tự nhiên hiện nay. (Ảnh: Dân Trí).

Theo đại biểu, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).

“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao? Tỷ lệ che phủ rừng là gì, là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không có con gì sống được ở đó”, đại biểu Ksor H'Bơ Khắp đề nghị Bộ trưởng Cường nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.

Bộ Trưởng Nông Nghiệp nói "Mất rừng do Mỹ rải hoá chất"

Trước đó, trong nội dung thảo luận hôm 3/11, trao đổi lại với các đại biểu đề cập nguyên nhân thiên tai nặng nề vừa qua do mất rừng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm, hệ số che phủ đã đạt gần 42% (cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới là 29%).

Về việc giữ rừng tự nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận định, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng của miền Trung.

Chiều 4/11, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay: Theo báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép cũng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên như thế.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chưa đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường về nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên suy giảm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chưa đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường về nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên suy giảm. (Ảnh: Quochoi.vn).

“Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương nơi có rừng”.

Đại biểu Lưu Mai lập luận, việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100ha rừng trồng mới.

Bà Mai nhắc lại những hậu quả nặng nề của đợt thiên tai vừa qua: “Thời gian qua, tất cả chúng ta đều bàng hoàng, đau xót vì sự ra đi của nhiều cán bộ, chiến sỹ và người dân vì sự giận dữ của tự nhiên. Trong rất nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả thực sự quá đắt. Trong thiên tai, chúng ta thấy được tình người, tình nghĩa quân dân nhưng cũng thấy được những lỗ hổng cần kịp thời chỉnh sửa trong chủ trương, chính sách phát triển”.

Bài liên quan