Làm thế nào để vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'?

Thứ sáu, 04/09/2020, 18:55 PM

Đại dịch Covid-19 đang làm suy giảm đáng kể những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Làm thế nào để vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'?

Làm thế nào để vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'?

Làm thế nào để vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'?

Chiều 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020.

Điểm sáng công tác chống dịch

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ vừa dành trọn một ngày đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự tham gia của hệ thống chính trị, cùng sự đồng tình cao của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19, ông Dũng khẳng định việc này đã góp phần tạo nên thành công trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam.

“Điểm nổi bật đầu tiên là công tác chống dịch có hiệu quả cao, các ổ dịch được kiểm soát, khoanh vùng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế thế giới liên tục tăng trưởng âm, dễ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không kiềm chế được dịch Covid-19.

Người phát ngôn Chính phủ cũng dẫn nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam được nhận được là nền kinh tế tăng trưởng dương, sức khỏe nền kinh tế tốt, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi, có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính, nếu cố gắng Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% năm 2020.

Song song với đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Mặt bằng lãi suất và tỷ giá thị trường ổn định. Ngân sách Nhà nước 8 tháng bằng 58,3% so với kế hoạch dự toán nhưng khoản chi ngân sách tăng vì vừa qua phải giải quyết rất nhiều vấn đề cấp bách như dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19…

Một điểm sáng nữa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất của giai đoạn 2016-2020 sau hàng loạt động thái chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo kiên quyết điều chuyển vốn với những nơi không chịu giải ngân. Công tác triển khai thu hút vốn đầu tư nước ngoài dù năm nay khó khăn vẫn thu hút được 19,5 tỷ USD vốn FDI.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, có thể giữ đà tăng trưởng trong năm nay với mức 2,6-2,8%. Riêng xuất khẩu nông nghiệp năm nay phấn đấu cao hơn năm ngoái với khoảng 41 tỷ USD. Ông Dũng thông tin sang tuần tới sẽ xuất lô gạo đầu tiên, loại gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu với mức giá cao. Đây được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng.

Làm thế nào để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”?

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đại dịch Covid-19 đang làm suy giảm đáng kể những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ngành du lịch và nhiều ngành xuất khẩu đang bị mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế, giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2020, ông Dũng phân tích dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 ở Việt Nam gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động cộng hưởng của 2 lần dịch bùng phát, chưa có thời gian để hồi phục.

Trong bối cảnh đó, để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7%.

Kết luận phiên họp Chính phủ sáng nay 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, tuy nhiên, không được chủ quan với dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Ông giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.

Bài liên quan