Làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, cơ hội lớn cho Việt Nam

Chủ nhật, 10/05/2020, 14:52 PM

Làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 bùng nổ tại nước này, cùng với căng thẳng trước đó với Mỹ là cơ hội cho Việt Nam.

Căng thẳng Mỹ - Trung tạo làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại nước này làn sóng ấy tiếp tục bùng nổ.

Căng thẳng Mỹ - Trung tạo làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại nước này làn sóng ấy tiếp tục bùng nổ.

Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và giờ, dịch Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó.

Nhận thức được cơ hội lớn, Bộ trưởng Công Thương cho rằng cần đẩy mạnh tập trung vào thúc đẩy cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc lại. Hậu Covid-19 sẽ có sự dịch chuyển, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn chất lượng cao.

Theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp đang muốn dịch khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể đón cơ hội này, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng mới. “Chúng ta phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo JLL Việt Nam, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Theo chuyên gia JLL, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai.

Nhận định là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, lợi thế rất lớn của Việt Nam là kiểm soát tốt dịch bệnh, điều này là điểm cộng rất lớn cho môi trường đầu tư cho Việt Nam. Điều quan trọng bây giờ là hành động của chúng ta.

“Chúng ta cần có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý trong bối cảnh mới. Đón làn sóng này sẽ tạo cơ hội tốt cho chúng ta trong việc thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19, tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh không nên áp dụng chính sách thu hút bằng mọi giá”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Tuyệt đối không ưu đãi bằng mọi thứ để mời gọi. Thu hút có chọn lọc, chỉ áp dụng ưu đãi với những tiêu chí rõ ràng như doanh nghiệp công nghệ cao, có cam kết chuyển giao công nghệ.

Bài liên quan