Lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

Thứ hai, 09/11/2020, 18:00 PM

Liên quan đến lùm xùm vụ cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã lập đoàn công tác, gồm cả Bộ Tư pháp để vào xem xét.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất vấn chiều 9/11.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất vấn chiều 9/11.

Chiều 9/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến tình hình thực hiện tự chủ đại học và đặc biệt là vụ việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng được dư luận quan tâm thời gian qua.

Theo Phó thủ tướng, việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng là quyết định có ý kiến khác nhau, đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần, Chính phủ yêu cầu rất thận trọng.

“Chính phủ, Thủ tướng đã lập đoàn công tác, gồm cả Bộ Tư pháp để vào xem xét, phân tích, báo cáo, sau đó công khai minh bạch cho toàn dân biết, nhưng tinh thần là Chính phủ công minh, ủng hộ tự chủ để tạo điều kiện cho trường phát triển”, ông Đam thông tin.

Về tự chủ đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng chỉ được một số bước, vừa rồi có kết quả tốt. Có 5 điểm có tính nguyên tắc cho toàn thế giới và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự mà ta cần hiểu rõ.

Thứ nhất: Đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức, mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của tri thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mặt bằng chung nên đại học cần xây dựng mô hình tiên tiến để lan tỏa tính sáng tạo, khoa học ra toàn xã hội.

Thứ 2: Đã tự chủ phải luôn gắn với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.

Thứ 3: Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở các quốc gia, Nhà nước vẫn phải đầu tư để đặt hàng và xây dựng cơ sở vật chất.

Thứ 4:, tự chủ đại học không có nghĩa là không quản lý.

Thứ 5: Tất cả quốc gia, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo cơ chế cho một số đối tượng như con người nghèo không bị giới hạn cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

Thứ 6: Khái niệm chủ sở hữu của đại học có thay đổi. Vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, máy móc mà còn là trí tuệ. Đóng góp này là của toàn xã hội.

Về câu hỏi có nên bỏ chủ quản không, Phó thủ tướng cho biết thực ra luật pháp nước ta giờ không còn chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu.

Theo Phó thủ tướng, có hai việc quan trọng là tất cả trường đại học phải thành lập hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền. Cùng với đó, các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, quản lý nội bộ và công khai cho toàn dân biết để giám sát.

“Đây là quá trình chuyển đổi, có nhiều việc chưa được quy định rõ và chưa có tiền lệ nên khỉ xử lý cần bĩnh tĩnh và xu hướng là phải ủng hộ”, Phó thủ tướng nói và cho biết trưa nay Chủ tịch Quốc hội có đề nghị ông nói rõ hơn về trường hợp trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đạo đức xã hội xuống thấp

Trả lời chất vấn về đạo đức xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận đây là vấn đề lớn và không ai có thể nói tất cả hành vi của mình đều là chuẩn mực.

“Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều tài liệu đánh giá xuống cấp đáng báo động ở một số mặt, thể hiện rõ ở các hành vi phạm tội, các hành vi gian dối, không trung thực, bị đồng tiền chi phối”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng nhận định câu chuyện hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là câu chuyện dài hơi. Xuống cấp từ khi bắt đầu đổi mới sang cơ chế thị trường. Song những điểm lớn nhất của đạo đức xã hội được làm bật lên bởi nhân dân, có 5 điểm được thế giới ghi nhận.

Phân tích về nguyên nhân, nhiều ý kiến nhận định nguyên nhân khách quan là do mặt trái của kinh tế thị trường, mạng xã hội. Chủ quan về yếu kém của văn hóa, giáo dục. Nguyên nhân sâu xa là trong mỗi con người sự đấu tranh giữa cáci tốt và cái xấu, chưa có khi nào cái tốt hoặc cái xấu thắng tuyệt đối. 

Bàn về giải pháp, Phó thủ tướng cho rằng, muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên thì phải làm cho toàn dân hiểu rõ cái gì tốt, cái gì xấu.

“Có những thứ tưởng dễ những không phải. Ví dụ ăn cắp ai cũng biết là xấu, nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nghĩ đó là ăn cắp”, Phó thủ tướng dẫn chứng.

Phó thủ tướng cũng lưu ý phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, phải nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý chúng ta phải thật sự chú trọng các vấn đề xã hội, trong đó có đạo đức và văn hóa. “Đây là nhược điểm phổ biến của hầu hết quốc gia đang phát triển, khi bị sức ép từ tăng trưởng kinh tế thì người ta coi văn hóa, đạo đức là vấn đề chưa làm ra tiền trong ngắn hạn, chưa cháy nhà chết người nên chưa thực sự quan tâm”, Phó thủ tướng phân tích.

Bài liên quan