Lễ Phục sinh giữa dịch Covid-19, bánh thỏ được đeo khẩu trang

Thứ bảy, 11/04/2020, 06:49 AM

Lễ Phục sinh 2020 diễn ra khi thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19. Do vậy, nhiều tiệm bánh đã làm những chú thỏ, biểu tượng của ngày lễ này, đang đeo khẩu trang.

Lễ Phục sinh 2020 giữa dịch Covid-19, bánh thỏ Phục sinh được đeo khẩu trang.

Lễ Phục sinh 2020 giữa dịch Covid-19, bánh thỏ Phục sinh được đeo khẩu trang.

Thay vì không khí rộn ràng như những năm trước, Lễ Phục sinh 2020 năm nay đìu hiu khi nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác khắp thế giới đang phải phong tỏa ở để ngăn chặn dịch bệnh. 

Dù vậy, nhiều tiệm bánh vẫn không bỏ quên ngày này. Gần đây, một tiệm bánh ở miền Bắc nước Pháp đã tô điểm cho những chú thỏ Phục Sinh bằng khẩu trang màu trắng.

Những chiếc khẩu trang cho thỏ Phục sinh được làm từ hạnh nhân trắng và được đặt nhẹ nhàng trên miệng và mũi thỏ.

Các tiệm bánh khác trên khắp thế giới cũng theo trào lưu này. Thậm chí có nơi còn hóa trang thỏ Phục sinh là y tá, có khẩu trang và găng tay.

Một số chủ tiệm bánh cho biết đây là cách để họ gửi lời chào tới các nhân viên y tế đang điều trị cho các nạn nhân của đại dịch.

Lễ Phục sinh là gì? Lễ Phục sinh 2020 là ngày nào? Cách tính ngày Lễ Phục sinh

Đối với những người theo Kito giáo, Lễ Phục sinh (Easter) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Đây là dịp để họ tưởng niệm sự kiện chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá.

Ngày xưa, người ta gọi ngày lễ này là lễ hội mùa xuân.

Cách tính ngày Lễ Phục sinh khá phức tạp. Lễ Phục Sinh rơi vào Chủ nhật thứ nhất sau khi trăng tròn vào dịp tiết xuân phân. Do vậy, nó rơi vào khoảng cuối tháng Ba và đầu tháng Tư. Sớm nhất là 22/3 và muộn nhất là 25/4 tùy năm.

Lễ Phục sinh 2020 rơi vào Chủ nhật ngày 12/4.

Vì sao gọi là thỏ Phục sinh?

Ngoài trứng, thỏ là một trong các biểu tượng của Lễ Phục sinh

Mọi người thường tặng trứng được trang trí nhiều màu sắc hoặc con thỏ trong ngày lễ này.

Trứng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Và người phương Tây cho rằng Trái đất này vốn được nở ra từ một quả trứng khổng lồ.

Trong khi đó, thỏ phục sinh là biểu tượng của sự sinh sản, sức sống dồi dào, mạnh mẽ.

Đặc biệt, thỏ còn gắn liền với truyền thuyết Ostara, còn gọi là Easter - tên của vị nữ thần mùa xuân được đặt cho tên lễ Phục sinh.

Truyền thuyết kể rằng, có lần nữ thần mang mùa xuân tới Trái đất muộn, khiến muôn loài bị lạnh. Một chú chim sắp chết. Ostara biến chú chim thành một con thỏ, ban cho nó khả năng đẻ trứng và khả năng chạy nhanh. Ngoài ra, chú thỏ còn được nữ thần giao nhiệm vụ tặng quà cho các em nhỏ khi xuân về.

Thế rồi, có lần thỏ thần vô tình khiến Ostara tức giận. Nó bị ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus.

Một năm, thỏ chỉ được xuống nhân gian một lần vào mùa xuân để tặng quà.

Từ đó, thỏ trở thành một biểu tượng trong lễ Phục Sinh.

Bài liên quan