Liên tục 2 đời Giám đốc CDC Hà Nội 'xộ khám': Phải chăng hình phạt còn nhẹ?

Thứ hai, 13/06/2022, 06:12 AM

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường đã có những phân tích, quan điểm đánh giá trước việc 2 đời Giám đốc CDC Hà Nội "xộ khám" liên tiếp.

Trương Quang Việt (bìa trái) và Nguyễn Nhật Cảm (bìa phải).

Trương Quang Việt (bìa trái) và Nguyễn Nhật Cảm (bìa phải).

Liên tục 2 đời Giám đốc CDC Hà Nội vướng vòng lao lý do đấu thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 và kit test Việt Á, khiến dư luận xôn xao.

Điều chú ý, trước ông Trương Quang Việt thì người tiền nhiệm là Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cũng lâm vòng lao lý vì mua sắm máy xét nghiệm COVID-19. Như vậy, liên tiếp 2 đời Giám đốc CDC Hà Nội đã lâm vòng lao lý cùng tội danh là "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Một trong những băn khoăn lớn nhất mà nhiều người đặt ra rằng phải chăng những người sau không rút ra được bài học kinh nghiệm từ người tiền nhiệm? Tại sao ông Trương Quang Việt không rút được bài học từ ông Nguyễn Nhật Cảm? Phải chăng do hình phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội).

"2 đời Giám đốc CDC Hà Nội vướng vòng lao lý vì suy thoái về tư tưởng, đạo đức"

Luật sư Đặng Cường cho rằng: Nhận định hình phạt của ông Nguyễn Nhật Cảm không đủ sức răn đe nên người kế nhiệm Trương Quang Việt tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội là chủ quan, thiếu căn cứ và không phải là bản chất của vấn đề.

Theo luật sư Cường, đối với Nguyễn Nhật Cảm, căn cứ vào tội danh bị truy tố thì Tòa án sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm đã xét xử bị cáo trong khung hình phạt mà viện kiểm sát truy tố ở mức 10 năm tù là phù hợp với quy định pháp luật.

"Hình phạt là chế tài của pháp luật áp dụng với bị cáo phạm tội nhằm để cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, đồng thời cũng nhằm mục đích để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất vẫn là mục đích cải tạo, giáo dục, còn việc răn đe phòng ngừa chỉ là mục đích thứ yếu.

Áp dụng hình phạt đối với bị cáo này để răn đe cảnh tỉnh đối với những người khác chỉ là một trong những giải pháp trong công tác phòng ngừa. Tuy nhiên, để phòng ngừa tội phạm hiệu quả thì phải thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau chứ không chỉ bằng hình phạt", luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận.

Luật sư Cường cho biết: Pháp luật thường quy định nhiều loại hình phạt trong một tội danh, mỗi hình phạt lại có các mức, các khung khoản khác nhau để tòa án áp dụng đối với từng bị cáo cụ thể, trong từng vụ án cụ thể cho phù hợp. Khi biểu quyết là bị cáo phạm tội thì hội đồng xét xử sẽ biểu quyết để lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cho phù hợp đối với từng bị cáo trong các vụ án hình sự.

"Rất khó để có thể nói rằng mức hình phạt là cao hay thấp, có thể cao với người này nhưng thấp với người khác, hình phạt có thể làm hài lòng với người này nhưng sẽ không hài lòng với người khác. Về nguyên tắc thì việc quyết định hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo cụ thể sẽ do hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là căn cứ quyết định hình phạt được bộ luật hình sự quy định rất cụ thể tại điều 50 bộ luật hình sự 2015".

Theo luật sư Cường: Đối với những cán bộ có vị trí công tác cao, nhiều năm cũng hiến đóng góp cho xã hội, có học hàm, học vị thì đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ chứ không chỉ là niềm tự hào của bản thân. Đây là đặc điểm của văn hóa phương Đông. Bởi vậy khi họ bị kỷ luật, bị cách chức, bị khai trừ ra khỏi đảng thì đó là nỗi xấu hổ, thậm chí là nỗi nhục không chỉ đối với bản thân mà còn đối với cả gia đình, dòng họ.

"Không giống như văn hóa phương tây, những người sống trong cộng đồng làng xã, theo văn hóa Á Đông mà phạm tội thì họ không chỉ chịu bản án của pháp luật mà bản án lương tâm, sự kỳ thị của xã hội khiến họ đau đớn, tổn thương hơn nhiều... Trong những vụ án xử lý đối với cán bộ lãnh đạo như vụ án này thì việc họ bị khởi tố, bị tạm giam rồi phạt tù đến hàng chục năm tù thì đó là cái giá phải trả là quá đắt cho những hành vi vi phạm pháp luật, với những bị cáo ở độ tuổi 60 như vậy mà phải ngồi tù đến 10 năm thì có khi do già yếu, bệnh tật, khổ ải... chưa chắc đã có cơ hội trở về.

Với điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay còn nhiều khó khăn, an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp thì tiêu chuẩn chế độ và đời sống của người bị tạm giam, tạm giữ, bị chấp hành hình án án phạt tù là rất khó khăn. Phòng giam chật chội, thiếu thốn, người phạm tội bị nhốt chung với nhau trong một môi trường chật hẹp, phức tạp đó là ác mộng đối với nhiều bị can, bị cáo, người phải chấp hành hình phạt tù".

Luật sư Cường phân tích: Với những cán bộ, lãnh đạo, những người có điều kiện kinh tế khá giả, giàu có sung sướng quen rồi mà bị tạm giam, phải chấp hành hình phạt tù hiện nay thì sẽ rất sốc, rất khổ và đó là cái giá quá đắt cho những sai lầm của mình...

Liên tục đời Giám đốc CDC lâm vòng lao lý.

Liên tục đời Giám đốc CDC lâm vòng lao lý.

Bởi vậy, chẳng ai có thể nói rằng đi tu là sướng hay cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, bị cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, bị giam giữ mà không biết sợ, chưa thấy nhục. Nếu biết mình có thể bị phát hiện, bị xử lý thì dù chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc thôi thì đó cũng là cái giá phải trả rất chua chát đối với những cán bộ sai phạm. Còn nếu bị "bỏ tù" thì đó là quãng đời tăm tối nhất, khổ ải nhất, xấu hổ nhất, dù chỉ một ngày tù...

Bởi vậy, nếu ai đó có ý kiến cho rằng 10 năm tù không đủ sức răn đe, vì 10 năm tù là quá nhẹ nên vị giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội kế nhiệm ông Cảm tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội là thiếu căn cứ, không đúng với suy nghĩ và hành động của vị cán bộ lãnh đạo này.

"Quan điểm cá nhân tôi cho rằng hành vi vi phạm không phải do thiếu hiểu biết pháp luật, cũng không phải do chế tài không đủ sức răn đe, hành vi vi phạm của bị can sau không phải là do bị can trước bị xử nhẹ mà là do các bị can này bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vì lợi ích vật chất, vì quyền lợi cá nhân mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể các bị can cho rằng sẽ che giấu được hành vi vi phạm hoặc nếu vi phạm thì sẽ có cách để che chắn, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật", luật sư Cường nêu quan điểm.

Làm thế nào để ngăn ngừa tham nhũng?

Một trong những băn khoăn lớn nhất mà dư luận và độc giả đặt ra là những giải pháp làm sao để phòng ngừa, để không còn việc những cán bộ liên tục vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý?

Nhận định về điều này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nói rằng: Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp ở các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển. Với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý kinh tế còn lỏng lẻo, thậm chí yếu kém, quá trình hội nhập, đổi mới xuất hiện nhiều mặt trái của xã hội, công tác cán bộ còn nhiều tồn tại khiến cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nhiều quốc gia đang gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường.

Về mặt lý luận thì tham nhũng là phạm trù lịch sử, nó gắn với sự ra đời của nhà nước và pháp luật, tham nhũng sẽ tồn tại gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nhà nước. Trong thời kỳ xã hội nguyên thủy, các tổ trưởng, tộc trưởng, những người có uy tín trong các bộ lạc nguyên thủy chiếm đoạt phần thức ăn dư thừa và dựng ra tổ chức để cai quản, để bảo vệ quyền lợi, quyền tư hữu của nhóm người đó, đó là nguyên đó là hành vi tham nhũng, đồng thời cũng là nguyên nhân để cho ra đời nhà nước.

Về mặt pháp lý thì tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật. Trong các chế tài xử lý đối với hành vi tham nhũng thì có chế tài hình sự, được quy định trong bộ luật hình sự.

"Bởi vậy, trong xã hội còn tư hữu về tài sản phải về tư liệu sản xuất chỉ còn có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhau, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, lợi ích của nhà nước nên vấn đề tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng là phạm trù lịch sử. Bởi vậy đấu tranh với tội phạm nói chung, đấu tranh với tội phạm về tham nhũng nói riêng là một quá trình lâu dài, cam go và phức tạp. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được tình hình tội phạm chứ không thể loại bỏ được tội phạm khỏi đời sống xã hội...", luật sư Cường nói thêm.