Thông điệp của lính đặc nhiệm quân đội Trung Quốc dọn dẹp đường phố Hong Kong

Thứ hai, 25/11/2019, 16:36 PM

Chỉ bằng cách dọn dẹp đường phố và công khai phiên hiệu, lính đặc nhiệm Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cho những âm mưu khủng bố và bạo loạn ở Hồng Kông

Trong những ngày qua, tình hình Hong Kong luôn là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Một sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm, đó là việc chiều ngày 16/11/2019, một nhóm 50 quân nhân Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đã rời khỏi doanh trại ở Đông Cửu Long, tiến hành dọn dẹp đường Liên Phúc, Hong Kong. Con đường này trước đó đã bị những người biểu tình phong tỏa bằng gạch đá và các chướng ngại vật khác.

Nhóm quân nhân này mặc trang phục thể thao quân sự, không đeo quân hiệu và cấp hàm, không mang trang bị vũ khí, mà chỉ sử dụng chổi và xô để dọn dẹp đường phố. Trợ giúp cho nhóm quân nhân này còn có các lính cứu hỏa của đặc khu hành chính Hong Kong. Sau khi dọn dẹp xong, nhóm quân nhân này trở về doanh trại. Toàn bộ quá trình kéo dài chừng nửa giờ đồng hồ, và các quân nhân không trả lời bất cứ câu hỏi nào của những người có mặt tại hiện trường.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Những quân nhân Trung Quốc dọn dẹp chướng ngại vật trước cổng doanh trại ở Hong Kong

Không khó để thấy rằng hành động này tuy nhỏ, nhưng lại là một thông điệp chính trị của Bắc Kinh đối với tình hình Hong Kong.

Đại đội đặc nhiệm chống khủng bố thiện chiến

Trước hết, trong nhóm quân nhân, có một số người mặc trang phục bóng rổ. Trong đó, lưng áo bóng rổ màu xanh nước biển có ghi chữ “Tuyết Phong đặc chiến doanh”, lưng áo bóng rổ màu da cam có ghi chữ “Đặc chiến bát liên”.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Các quân nhân mặc áo bóng rổ có ghi chữ "Tuyết Phong đặc chiến doanh" và "Đặc chiến bát liên"

Đây chính là thông điệp đầu tiên của Bắc Kinh cho những người biểu tình và bạo động ở Hong Kong: “Tuyết Phong đặc chiến doanh” là danh hiệu của lữ đoàn đặc nhiệm 76, thuộc tập đoàn quân 76, chiến khu Tây bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Còn “Đặc chiến bát liên” nghĩa là đại đội đặc nhiệm số 8, thuộc lữ đoàn đặc nhiệm 76, còn được biết đến với danh hiệu “Thiên Lang đột kích đội”.

Lữ đoàn đặc nhiệm 76 là đơn vị giàu truyền thống, có lịch sử ra đời từ thời kỳ Tân Tứ quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiền thân của đơn vị là tiểu đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong, được thành lập tháng 06/1938 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tên gọi “Tuyết Phong” có nguồn gốc từ tên của người thành lập tiểu đoàn: liệt sĩ Bành Tuyết Phong (1907-1944), nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 của Tân Tứ quân.

Từ xuất phát điểm đó, trong suốt 81 năm qua, Tuyết Phong đặc chiến doanh đã liên tục tham gia vào tất cả các mặt trận nóng bỏng nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa, như chiến tranh kháng Nhật, nội chiến Quốc - Cộng, chiến tranh kháng Mỹ viện Triều, hay các xung đột biên giới v.v…

Theo thời gian, tiểu đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong đã phát triển thành một lữ đoàn đặc nhiệm, chiến đấu trong đội hình đại quân khu Lan Châu (một trong 7 đại quân khu trước đây của quân đội Trung Quốc).

Sau cải cách quân sự thời kỳ chủ tịch Tập Cận Bình, lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong được chuyển thuộc cho tập đoàn quân 76 (một trong 13 tập đoàn quân chủ lực của quân đội Trung Quốc), tiếp tục đảm trách địa bàn miền tây Trung Quốc, với những địa bàn “nóng” như Tân Cương và Tây Tạng. Phiên hiệu của lữ đoàn cũng đồng thời là phiên hiệu của tập đoàn quân 76.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Những quân nhân Trung Quốc dọn dẹp chướng ngại vật trước cổng doanh trại ở Hong Kong

Theo tờ Giải phóng quân báo - cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, lữ đoàn đặc nhiệm 76 Tuyết Phong được xem như đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất - “thần binh lợi kiếm” của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa, là đơn vị huấn luyện quân sự số một, với mục tiêu trở thành lực lượng có “biện pháp đặc chủng, chiến pháp đặc thù, tác phong mạnh mẽ”, từ “kỳ binh” trong kháng chiến chuyển thành lực lượng “tinh nhuệ toàn năng” trên chiến trường hiện đại.

Tinh hoa của tinh hoa

Nếu như lữ đoàn đặc nhiệm 76 là tinh hoa của quân đội Trung Quốc, thì đại đội đặc nhiệm số 8 lại là tinh hoa của lữ đoàn 76. Mang danh hiệu “đội đột kích Thiên Lang”, đại đội này được huấn luyện chuyên nhiệm chống khủng bố.

Là tinh hoa của tinh hoa, nên những thông tin về đội đột kích Thiên Lang cũng vô cùng bí ẩn. Vào năm 2010, đội trưởng Vương Khánh Tân trả lời báo chí Trung Quốc, tiết lộ rằng tỉ lệ ứng viên bị loại trong các vòng tuyển chọn vào đội Thiên Lang chỉ xếp sau thi tuyển phi công của không quân. Các ứng viên phải có tố chất thể hình tốt, phản ứng nhạy cảm, tinh thần thép và trình độ kỹ thuật chiến thuật xuất sắc.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Phù hiệu "Sói Tây Bắc" của đại đội đặc nhiệm 8

Các cán bộ chỉ huy của đại đội đặc nhiệm số 8 cũng là những tinh anh của lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc. Khả năng của họ không chỉ được thể hiện qua các cuộc diễn tập trong nước, mà còn cả ở nước ngoài. Vào năm 1999, Hà Kiện - đại đội phó của đại đội đặc nhiệm 8 - đã tham gia vào cuộc thi trinh sát quốc tế. Trong diễn tập, Hà Kiện đã vượt qua được vòng vây của hàng ngàn đối thủ để hoàn thành nhiệm vụ, giành được danh hiệu cao quý nhất của cuộc thi là chiếc cúp “Chiến binh Kalif”. Còn vào năm 2003, đại đội phó Hoàng Hòa Bình đã được vinh danh là một trong 30 học viên can đảm nhất của “Trường học thợ săn” - một trung tâm đào tạo lực lượng đặc biệt ở vùng lưu vực sông Amazon của Nam Mỹ, được thành lập từ năm 1928.

Toàn bộ các thành viên của đại đội Thiên Lang đều có trình độ văn hóa trung học trở lên, trên 30% quân số tốt nghiệp đại học, 85% chiến đấu viên nắm vững kĩ thuật máy tính, tiếng Anh quân sự, thủ ngữ chống khủng bố v.v… Các quân nhân của đại đội đặc nhiệm 8 được huấn luyện theo mục tiêu “4 trong 1”: Trên không biết nhảy dù, trên sông bơi vũ trang, trên bộ biết lái xe, trên mạng biết chỉ huy.

Có được điều này là nhờ quá trình huấn luyện của đội cực kì khắc nghiệt, với nhiều hạng mục như tác chiến rừng rậm, tác chiến đô thị nhà cao tầng, bắn tỉa, điều khiển các xe cơ giới và máy bay trinh sát không người lái v.v… Quá trình đào tạo một lính đặc nhiệm cần ít nhất 3 năm. Mỗi ngày, một đội viên đặc nhiệm phải chạy 5km, mỗi tuần phải chạy việt dã vũ trang 10km hai lần. Trước giờ đi ngủ buổi tối phải tập 600 lần 6 bài tập thể lực khác nhau.

Về vũ khí trang bị, bên cạnh các loại khí tài thông thường, lính đặc nhiệm Thiên Lang còn có các trang bị đặc chủng như kính nhìn đêm, thiết bị khuếch đại ánh sáng yếu, tìm kiếm mục tiêu bằng laser, máy bay không người lái v.v... Các khí tài thông tin liên lạc công nghệ cao tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của đơn vị.

Hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ

Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu trên những địa bàn “nóng” của Trung Quốc là vùng Tân Cương, Tây Tạng, lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong nói chung, và đại đội đặc nhiệm Thiên Lang nói riêng còn có mặt ở vùng Trung Đông, và các cuộc diễn tập tại nước ngoài. Trong nội địa, đơn vị thường xuyên được cấp trên cử đi tham gia nhiều nhiệm vụ diễn tập thường xuyên và đột xuất, với độ khó cao.

Ví dụ như vào tháng 06/2009, lữ đoàn đã cơ động toàn bộ đội hình hàng ngàn người lên vùng phía tây cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng để diễn tập tác chiến đặc biệt, sinh tồn trên chiến trường, chịu lạnh, và đột kích đường dài.

Bước sang năm 2010, lữ đoàn Tuyết Phong tiếp tục tổ chức “tuần huấn luyện ma quỷ” cho đội đột kích Thiên Lang, với các nội dung thực chiến trên nhiều loại địa hình hiểm trở như rừng sâu, núi cao, vách đá, sa mạc, v.v…

Theo Giải phóng quân báo của quân đội Trung Quốc, trong thời gian huấn luyện khắc nghiệt này, mỗi ngày các binh sĩ chỉ được phát một cái bánh bao, một bình nước, và một tủi rau, và chỉ được ngủ 2 giờ đồng hồ, trong khi phải hành quân 55km, và phải tập luyện sinh tồn dựa vào điều kiện tự nhiên như ăn bọ cạp, thằn lằn, uống nước mưa, máu rắn, v.v… Cũng trong cùng năm, đội Thiên Lang còn tổ chức kỳ huấn luyện “niềm tin”: Một người cầm bia, một người bắn súng. Đây là thử thách tâm lý cho tất cả các đội viên, vì người cầm bia phải tuyệt đối tin tưởng xạ thủ, trong khi xạ thủ phải rất vững vàng về tâm lý và kĩ năng xạ kích, nếu không sẽ gây thương vong cho đồng đội của mình.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Một lính đặc nhiệm của lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong

Còn vào năm 2014, lữ đoàn Tuyết Phong đã thực hiện khóa huấn luyện nhảy dù tầm cao đầu tiên tại vùng cao nguyên tuyết phủ. Lính đặc nhiệm Tuyết Phong đã thực hành đổ bộ đường không thẳng vào sở chỉ huy địch trong điều kiện ba không: Không có chỉ huy trên không, không có hướng dẫn mặt đất, và không có hỗ trợ khí tượng. Tổng cộng đã thực hành nhảy với bốn loại dù, bốn phương pháp nhảy dù, ba độ cao nhảy dù, và hai phương pháp nhảy dù, cho thấy năng lực tham gia đổ bộ đường không để tác chiến trên cao nguyên.

Gần đây nhất, vào tháng 09/2018, hơn 100 đại biểu chuyên gia quân sự toàn quân đã được chứng kiến cuộc diễn tập thao diễn của lữ đoàn đặc nhiệm 76 ở vùng núi Hạ Lan, thuộc khu tự trị dân tộc Hồi ở Ninh Hạ. Trong cuộc diễn tập mang mật danh “Thanh kiếm phương tây”, lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong do lữ đoàn trưởng Vương Bính Quân dẫn đầu, với hàng chục lính biệt kích đã di chuyển trên các xe cơ giới chiến đấu đặc chủng, thực hiện đột kích sấm sét bằng cả đường bộ, đường thủy, và đường không, tấn công toàn diện và phá hủy trung tâm chỉ huy của kẻ địch. Kết quả diễn tập xuất sắc đã được khen ngợi bởi các chuyên gia của toàn quân.

Dập tắt tất cả các âm mưu bạo loạn

Khác với mọi lần, sự xuất hiện của các binh sĩ đại đội đặc nhiệm 8 trước công chúng lần này không phải với những khí tài hiện đại, mà lại là với chổi, xô chậu, và trang phục bóng rổ mang phiên hiệu đơn vị. Có nhiều thông tin cho rằng đơn vị này đã di chuyển vào đồn trú ở Hong Kong trong lần thay quân ngày 29/08/2019. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây chỉ là các binh sĩ mặc áo bóng rổ của đại đội đặc nhiệm 8 để nghi binh.

linh-dac-nhiem-don-dep-duong-pho-hong-kong-noi-it-hieu-nhieu
Các quân nhân của lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong, Trung Quốc

Nhưng dù những quân nhân dọn dẹp đường phố Hong Kong chiều 16/11 có thực sự là lính đặc nhiệm Thiên Lang hay không, thì thông điệp của Bắc Kinh với những người biểu tình ở Hong Kong vẫn không thay đổi: Đơn vị đặc nhiệm thiện chiến nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đã có mặt, và sẵn sàng trấn áp các hoạt động bạo loạn, khủng bố, một khi cảnh sát đặc khu hành chính Hong Kong không còn đủ khả năng duy trì trật tự trị an, và chính quyền đặc khu có yêu cầu trợ giúp.

Cơ sở pháp lý của việc này là điều 14 Luật Cơ bản Hong Kong. Theo đó, Chính phủ Trung ương Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm về quốc phòng cho đặc khu hành chính Hong Kong, trong khi chính quyền đặc khu sẽ chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự, trị an công cộng. Các đơn vị Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đồn trú ở Hong Kong sẽ không được can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu. Khi cần thiết, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong có thể yêu cầu sự trợ giúp của lực lượng quân đội trung ương đồn trú ở đây, trong nhiệm vụ duy trì trật tự công cộng và cứu trợ thảm họa.

Như vậy, chỉ bằng cách ra mặt dọn dẹp đường phố, không cần dùng súng đạn, lữ đoàn đặc nhiệm Tuyết Phong đã dùng uy danh "lợi binh thần kiếm" của mình để dẹp yên những nguy cơ khủng bố ở Hong Kong.