Lời khai rúng động vụ CDC Hà Nội: 'Tấm lòng 90 triệu đồng'

Thứ sáu, 11/12/2020, 08:43 AM

Khai trước tòa, một bị cáo nói muốn chia cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 15% lợi nhuận từ việc mua bán hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 xuất phát từ “tấm lòng”.

Bị cáo cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm tại phiên xét xử. (Ảnh: Dân trí).

Bị cáo cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm tại phiên xét xử. (Ảnh: Dân trí).

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp tục diễn ra với nhiều tình tiết được dư luận đặc biệt quan tâm.

Một trong những tình tiết đáng chú ý là việc thỏa thuận ăn chia lợi nhuận từ việc mua bán máy móc này. 

Theo cáo trạng, Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) bàn bạc, thống nhất về việc giao cho Nhất đứng ra mua hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 từ Công ty Phương Đông, sau đó tìm nhà thầu để bán lại cho CDC Hà Nội.

Đặc biệt, hai bị cáo đưa ra phương án chi cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 10% giá trị sản phẩm để chắc chắn được trúng thầu. Sau khi trừ hết các chi phí, Tuyền và Nhất sẽ chia đôi số tiền hưởng chênh lệch giữa giá mua của Công ty Phương Đông và giá bán cho CDC Hà Nội.

Ngày 6/2/2020, Nhất và Tuyền đến gặp ông Cảm ở trụ sở CDC Hà Nội. Tại đây, sau khi ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR tự động với giá 7 tỷ đồng, Nhất hứa hẹn sẽ chi 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống cho ông Cảm.

Trả lời trước tòa, cả ông Cảm và Nhất đều nhiều lần khẳng định nội dung cáo trạng về tình tiết trên là không đúng, không có chuyện 2 người thỏa thuận ăn chia 15% hợp đồng.

Luật sư bào chữa cho ông Cảm hỏi Nhất tại sao lại có hai con số 10% và 15%? Lúc này, Nhất khai: Khi mình và Tuyền bàn bạc thì quyết định sẽ chi cho ông Cảm 10%, nhưng sau đó bị cáo tự nâng lên 15%. Tuy nhiên, bản chất con số không như VKS cáo buộc.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech. (Ảnh: Dân trí).

Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech. (Ảnh: Dân trí).

Theo lời Nhất, 15% này là số tiền tính trên khoản lợi nhuận mà Nhất được hưởng từ việc tham gia mua bán hệ thống máy móc cho CDC Hà Nội (khoảng 90 triệu đồng), chứ không phải 15% giá trị hợp đồng (khoảng 950 triệu).

Nhất cũng khai mục đích muốn đưa số tiền trên cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội xuất phát từ “tấm lòng” của bản thân, hoàn toàn tự nguyện. Thực tế, bị cáo chưa bàn bạc hay trao đổi gì với ông Cảm về khoản tiền này.

Thực hiện thỏa thuận với Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Ngọc Nhất bàn bạc Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST) tham gia bán hệ thống Realtime PCR tự động và máy tách chiết DNA/RNA tự động của Công ty Phương Đông cho CDC Hà Nội. Vinh sẽ được chia 1,5% giá trị hợp đồng.

Trên thực tế, hệ thống Realtime PCR tự động và máy tách chiết DNA/RNA tự động tại thời điểm Công ty Phương Đông xuất bán chỉ có giá hơn 4,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi hai sản phẩm này tới tay CDC Hà Nội thì “đội giá” lên tới 8,2 tỉ đồng.

Để giảm mức độ chênh lệch giá, Vinh dùng các pháp nhân là công ty của gia đình để mua bán lòng vòng. Cụ thể, Công ty Phương Đông bán cho Công ty CP Thương mại và Công nghệ Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) với giá hơn 4,1 tỉ đồng. Công ty Hưng Long lại bán cho Công ty CP Sản xuất kinh doanh XNK KĐ với giá 5,2 tỉ đồng. Công ty KĐ tiếp tục bán cho Công ty MST của Vinh với giá hơn 7,8 tỉ đồng. Cuối cùng, Công ty MST bán cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỉ đồng.

Theo VKS, chỉ có Công ty Phương Đông xuất hóa đơn thực tế để bán hàng với giá trị hợp đồng hơn 4,1 tỉ đồng, các công ty còn lại đều là hợp đồng và hóa đơn khống.

Trả lời trước tòa, Vinh thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố. Bị cáo nói không tham gia vào việc thỏa thuận giá cả hệ thống máy xét nghiệm, mà chỉ quan tâm công ty mình sẽ được hưởng lợi 1,5% nếu cho Nhất mượn pháp nhân để tham gia thầu.

Được hỏi vì sao lại mua bán qua nhiều công ty trước khi bán cho CDC Hà Nội, Vinh nói doanh nghiệp chịu rất nhiều áp lực, trong đó có đóng thuế. Việc chuyển sản phẩm sang nhiều công ty trước khi tới CDC là để giảm áp lực thuế, chứ không phải vì mục đích lập khống hóa đơn.