Luật sư chỉ ra bản chất vụ cấp 'giấy khai sinh' cho Condotel

Thứ hai, 17/02/2020, 13:11 PM

Theo phân tích từ luật sư Hoàng Tùng, văn bản của Bộ TN&MT về hướng dẫn "cấp giấy khai sinh" cho loại hình Condotel, không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là một văn bản hành chính thông thường.

Theo luật sư Văn bản của Bộ TN&MT không làm thay đổi bản chất của Condotel. (Ảnh minh họa).

Theo luật sư Văn bản của Bộ TN&MT không làm thay đổi bản chất của Condotel. (Ảnh minh họa).

Mấy ngày qua giới đầu tư bất động sản cũng như người dân đang bàn tán xôn xao trước thông tin loại hình Căn hộ du lịch condotel được hướng dẫn cấp "giấy khai sinh" cùng với một số loại hình khác như: Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), Biệt thự du lịch...

Thông tin trên được coi là động thái khả quan khiến nhiều người tin tưởng việc thị trường Condotel sẽ sôi động trở lại sau liên tiếp những khó khăn trong thời gian qua như dịch Corona, đặc biệt là cú sốc Cocobay vỡ trận khiến loại hình đầu tư này làm nhà đầu tư nhỏ mất niềm tin.

Tuy nhiên, bản chất của việc cấp "giấy khai sinh" cho Condotel là gì? Liệu việc loại hình này được cấp "giấy khai sinh" có thực sự khiến giới đầu tư thứ cấp an tâm?

Để làm rõ vấn đề này, PV đã trao đổi cùng luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), đây cũng là vị luật sư có nhiều tâm huyết nghiên cứu biến động của thị trường bất động sản.

Luật sư Hoàng Tùng cho hay: Trước tiên, đối với loại hình condotel thì hiện nay pháp luật chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Do đó đây là một loại hình đầu tư mới, kéo theo cũng nhiều rủi ro cho người dân (người mua).

Đây là loại hình “lai” giữa căn hộ chung cư và khách sạn mà trong khi đó pháp luật hiện tại chỉ quy định cụ thể điều chỉnh về căn hộ chung cư, cụ thể điều chỉnh về dịch vụ lưu trú – khách sạn là sản phẩm đặc chưng.

Vì thế các cơ quan rất lung túng trong việc xử lý và quản lý. Hiện tại, quyền sở hữu Condotel cơ bản thuộc về chủ đầu tư, người dân tham gia ký kết không được đứng tên chủ sử hữu. 

Về văn bản của Bộ TN&MT mới đây, luật sư Tùng phân tích: "Ngày 14/2, báo chí đưa tin Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ về việc hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Tuy nhiên, cần khẳng định Công văn hướng dẫn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà đây chỉ là một văn bản hành chính thông thường mang tính chất thông tin điều hành để thực thi các quy định của pháp luật hoặc chỉ đạo, giải quyết công việc cụ thể của cơ quan.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội).

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội).

Nội dung của công văn cũng thể hiện tinh thần và các quy định đã có liên quan đến việc xác định và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Đối với các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì sẽ được cấp giấy chứng nhận theo các quy định liên quan đến Luật Đất đai.

"Hiện nay, tại các quy định của luật đất đai cũng vẫn ghi nhận việc cấp các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều kiện cấp,… và vẫn chưa ghi nhận một loại giấy chứng nhận mới cụ thể cho loại hình Condotel này.Do đó, quyền sở hữu Condotel vẫn thuộc về chủ đầu tư", luật sư Tùng lưu ý.

Theo luật sư, nếu người dân muốn đứng tên chủ sở hữu thì sẽ cấp theo quy định về nhà chung cư (căn hộ chung cư). Nhưng như vậy sẽ lại quy lại bài toán mà chủ đầu tư đã đưa ra cho người dân ban đầu. Hoặc là chi tiền thêm để chuyển đổi và sang tên thành căn hộ chung cư, hoặc là thỏa thuận lại với chủ đầu tư.

Vì thế, những cá nhân hoặc tổ chức đang kinh doanh loại hình này (không phải chủ đầu tư) cần xem xét và cân nhắc kỹ lựa chọn và giải pháp sao cho phù hợp. 

Trước đó, thời điểm xảy ra vụ Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận", Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group) đã đưa ra nhiều giải pháp cho người mua, trong đó có giải pháp chuyển đổi từ condotel sang căn hộ chung cư với điều kiện khách hàng chịu phí chuyển đổi khoảng 15% trên giá mua bất động sản theo hợp đồng đã ký, khách hàng được sử dụng và sở hữu nhà ở lâu dài...

Tuy nhiên, giải pháp mà phía Empire Group đưa ra còn bị cho là chiêu trò "xúi" khách hàng tự bỏ tiền mua tài sản của mình, "móc túi" khách hàng thêm lần nữa.

Theo luật sư, mục đích của giải pháp này rõ ràng là chuyển hăn từ condotel thành căn hộ chung cư thông thường.

Điều này rấy lên sự lo lắng rằng khách hàng có lợi hay bất lợi khi thực hiện theo giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra?

"Việc có được toàn quyền sở hữu căn hộ sẽ đảm bảo tối đa cho khách hàng khi họ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, thực hiện các quyền khác với căn hộ của mình. Để đổi lại được điều này thì họ lại mất thêm 1 khoản tiền (15%) vậy thì không khác gì họ lại bỏ tiền ra mua lại chính tài sản của họ", luật sư Tùng nhận định.

Cũng theo luật sư, cần phải xem xét đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có được phép hay không? Bởi dự án này đã được phê duyệt từ nhiều năm trước, do đó mà đất giao sẽ là giao với mực đích sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ theo quy hoạch là kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

"Nếu chuyển từ condotel thành chung cư thông thường thì sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này sẽ làm thay đổi quy hoạch của địa phương. Và việc chuyển đổi này cần phải được phê duyệt. Về vấn đề thu thếm 15% từ khách hàng thì bản chất có thể nhìn ra được rằng chủ đầu tư đang muốn chi trả cho số tiền phải nộp cho nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất".

Bài liên quan