Luật sư khẳng định người dân có 214 con lợn bị tiêu hủy vì dịch tả Châu Phi đủ điều kiện nhận hỗ trợ

Thứ ba, 14/01/2020, 09:26 AM

Luật sư khẳng định hành việc nhập 250 con lợn giống (đã có giấy tờ kiểm dịch) của gia đình lão nông Phạm Như Thủy không ảnh hưởng đến việc hỗ trợ đối với 214 con lợn đã đến tuổi xuất chuồng bị tiêu hủy. Đồng thời khẳng định gia đình ông Phạm Như Thủy hoàn toàn đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.

Gia đình anh Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng bị tiêu hủy trong đợt dịch tả Châu Phi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng tiền hỗ trợ nào.

Gia đình anh Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng bị tiêu hủy trong đợt dịch tả Châu Phi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng tiền hỗ trợ nào.

Vụ việc gia đình người nông dân Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có đàn lợn hàng trăm con đến tuổi xuất chuồng, trọng lượng hơn 14,7 tấn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi gửi đơn kêu cứu vì chưa nhận được tiền hỗ trợ đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Trong bài báo trước chúng tôi đã đề cập đến việc gia đình ông Thủy trước khi đàn lợn 214 con bị dịch tả Châu Phi "tấn công" đã nhập 250 con lợn giống (đã có giấy tờ kiểm dịch) từ nơi khác về để kế đàn. Và đây cũng là lý do khiến việc hỗ trợ bị "chậm chễ" đến nay.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, 250 con lợn giống mà gia đình ông Thủy nhập về để kế đàn đã có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ thế nhưng lý do tại sao cơ quan chức năng lại chậm chễ giải quyết việc hỗ trợ 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng bị dịch tả?

Một điểm mà dư luận cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét cho gia đình ông Thủy là bởi trước thời điểm dịch tả Châu Phi bùng phát tại địa phương thì đàn lợn 214 con này cũng đã được gia đình ông chăm nuôi từ rất lâu rồi.

Một điểm khác đó là, việc nhập 250 con lợn giống của gia đình ông Thủy đã bị xử phạt với hành vi mua bán lợn thời điểm địa phương bùng phát dịch cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi thực tế đã bùng phát tại địa phương này từ trước đó rồi.

Cũng từ lý do này, gia đình ông Thủy cũng không kiến nghị để được hỗ trợ với đàn lợn giống 250 con mà chỉ có mong muốn được nhà nước hỗ trợ với đàn lợn 214 con đã nuôi đến hơn nửa năm (từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019).

"Là nông dân chúng tôi chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng, chăn nuôi, việc lợn mắc dịch tả Châu Phi chúng tôi là người chịu thiệt thòi nhất. Hơn 250 con lợn nhập về chúng tôi đã không được hỗ trợ, tự bỏ chi phí tiêu hủy, nay đến 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng, nặng hơn 14,7 tấn chúng tôi đã bỏ bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt để đầu tư chăm bẵm... Tôi mong sao các cơ quan chức năng xem xét để sớm hỗ trợ gia đình chúng tôi, để chúng tôi có kinh phí phục hồi sản xuất, chăn nuôi...", lão nông Phạm Như Thủy chia sẻ.

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng.

Trước vụ việc này, trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), khẳng định gia đình lão nông Phạm Như Thủy hoàn toàn đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con bị tiêu hủy vì dịch tả Châu Phi.

"Đối với trường hợp hộ gia đình ông Phạm Như Thủy thì có đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ đối với việc đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng bị tiêu hủy do mắc dịch tả Châu Phi bùng phát: Nghị định số 02/2017/NĐ/CP về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng thiệt hại thiên tai, dịch bệnh quy định quy định về Đối tượng và điều kiện để được hỗ trợ (Điều 2 và Điều 4) thì cơ bản gia đình ông Thủy đã đủ điều kiện để được hỗ trợ theo quy định.

Và số tiền hỗ trợ cho ông Thủy là hỗ trợ một phần chi phí vật nuôi, chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).

Việc gia đình ông Thụy có nhập đàn lợn con 250 con (đã có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng và trình tự thủ tục đúng quy định) nhưng sau đó cũng bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và bị xử phạt hành chính không hề liên quan và ảnh hưởng đến việc phải hỗ trợ cho đàn lợn đã đến tuổi xuất chuồng 214 con bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch.

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 793/QĐ-TTg năm 2019 quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì mức hỗ trợ sẽ được áp dụng là 25.000 đồng/kg lợn hơi và nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước theo quy định tại quyết định này", luật sư Tùng phân tích.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, thủ tục để tiến hành xin hỗ trợ theo quy định của pháp luật bao gồm: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định.

Hồ sơ xin hỗ trợ bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có)Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND các cấp (đối với dịch bệnh) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Như vậy, chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ thì các cơ quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ có hồ sơ trình lên.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

"Đối với trường hợp của gia đình ông Thủy thì UBND huyện Đan Phượng cần phải xem xét lại hồ sơ và cách làm việc của các phòng ban có trách nhiệm liên quan để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thiếu giấy tờ, văn bản hoặc có vấn đề gì thì phải thông báo cho hộ ông Thủy bằng văn bản rõ ràng theo quy định của pháp luật", luật sư Hoàng Tùng kiến nghị.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đang liên hệ với lãnh đạo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng, UBND TP Hà Nội để làm rõ.

Trước đó, một cán bộ xã Hồng Hà cũng đưa ra quan điểm rằng, gia đình ông Phạm Như Thủy cần được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con đã đến tuổi xuất chuồng nhưng bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.

Chúng tôi tiếp tục thông tin vụ việc.