Luật sư nói về quy định được bắn pháo hoa Tết: 'Coi chừng đi tù'

Chủ nhật, 29/11/2020, 10:14 AM

Nghị định Nghị định 137 cho phép người dân được sử dụng pháo hoa nhưng phải là pháo hoa có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua nhầm pháo hoa nổ.

Từ 11/1/2021, người dân được bắn pháo hoa dịp Tết, cưới, sinh nhật... Tuy nhiên, không phải là những pháo hoa dạng nổ.

Từ 11/1/2021, người dân được bắn pháo hoa dịp Tết, cưới, sinh nhật... Tuy nhiên, không phải là những pháo hoa dạng nổ.

"Quy định mới nhưng cũ" bởi chỉ cho phép đốt pháo hoa không nổ

Dư luận đang dành nhiều quan tâm đến thông tin về việc cho phép người dân sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật mà không phải xin phép được quy định tại Nghị định 137/2020 vừa được Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên hiện nay, có không ít người dân đang hiểu lầm rằng, quy định trên ra đời là người dân có thể được sử dụng bất kỳ loại pháo hoa nào, thậm chí trên mạng xã hội nhiều người còn phấn khích, háo hức mơ tưởng "xuân này lại giống xuân xưa" được đốt pháo hoa, thậm chí là pháo nổ thoải mái.

Phân tích về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Sẽ là rất nguy hiểm nếu người dân không tìm hiểu kỹ Nghị định 137/2020, để rồi tự bản thân vào nguy cơ rủi ro pháp lý.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh: Tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/01/2021, quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật... Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 137/2020/NĐ-CP chỉ giới hạn ở việc sử dụng “pháo hoa”, còn hành vi sử dụng “pháo hoa nổ” và “pháo nổ” vẫn bị cấm sử dụng".

"Theo khái niệm về pháo hoa trong Nghị định này đưa ra thì: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

Hình ảnh pháo sáng quen thuộc thường được sử dụng trong các dịp sinh nhật.

Hình ảnh pháo sáng quen thuộc thường được sử dụng trong các dịp sinh nhật.

Như vậy, nếu chúng ta để ý, thì những loại pháo hoa này đã, đang và vẫn được dùng phổ biến trong xã hội mà không bị cấm hay xử phạt gì.

Cụ thể như: Những loại que khi đốt phát ra các tia sáng (pháo sáng) hay nến khi châm lửa sẽ phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc thường được bán kèm trong các tiệm bánh sinh nhật hoặc các loại pháo bông được sử dụng phát sáng, làm hiệu ứng trong các đám cưới hay hội nghị.

Coi chừng đi tù vì thiếu hiểu biết

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, với các loại pháo hoa mà khi đốt (sử dụng) phát ra tiếng nổ, thì theo Nghị định này được định nghĩa là “pháo nổ”, là loại nghiêm cấm sử dụng.

“Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ” và đây là loại pháo cấm tuyệt đối người dân không được thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng", luật sư Trần Tuấn Anh lưu ý.

Trong trường hợp người dân thực hiện các hành vi như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại “pháo hoa nổ” này trái phép, nhẹ thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hoặc tội gây rối trật tự công cộng với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch.

Một điểm khác luật sư cho rằng người dân cần lưu ý là, đa số những loại pháo hoa theo quan niệm của mọi người dân (loại khi đốt có tiếng nổ và tạo ra hiệu ứng ánh sáng, bắn lên cao) được bán trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ thì đa số là “pháo hoa nổ”, loại này vẫn bị pháp luật nước ta nghiêm cấm người dân tự ý sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng.

Và theo quy định tại Nghị định 137, mặc dù cho phép người “đủ năng lực hành vi dân sự” được phép sử dụng pháo hoa, tuy nhiên, phải là những loại pháo hoa được phân phối bởi các đơn vị, tổ chức được phép sản xuất, kinh doanh hợp pháp đối với những mặt hàng này.

Theo đó, Nghị định này quy định: “Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa”, sau khi đã đáp ứng hàng loạt các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy….

Như vậy, nếu có nhu cầu sử dụng thực sự, người dân cũng cần phải lựa chọn những cơ sở kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Trong trường hợp chúng ta mua pháo hoa từ những cơ sở không được phép kinh doanh, pháo hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng là không hợp pháp và có thể phải đối mặt với những rủi ro pháp lý như bị tịch thu, tiêu hủy hoặc mua nhầm phải “pháo hoa nổ”...

"Phải nói, thời điểm có hiệu lực của Nghị định này cũng rất nhạy cảm, đó là trước Tết cổ truyền của Việt Nam có 30 ngày, đây là dịp mà hầu như gia đình Việt nào cũng có nhu cầu đốt pháo, mặc dù việc đốt pháo đã bị Nhà nước cấm gần 20 năm nay.

Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu không được phân tích và hiểu đúng về khái niệm đâu là “pháo hoa” và đâu là “pháo hoa nổ”, đâu là hành vi được phép, đâu là hành vi bị cấm và thậm chí cái giá của sự thiếu hiểu biết có thể lên đến 10 năm tù với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm", luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.

Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ 11/1/2021

Tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Như vậy, căn cứ quy định trên, kể từ ngày 11/1/2021 (thời điểm nghị định có hiệu lực), người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong các dịp được nêu ở trên.

 Tuy nhiên, nghị định cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Cũng theo nghị định, các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế... Ngoài ra, các trường hợp khác sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.