Lưu ý và tư vấn của WHO về vaccine COVID-19 của AstraZeneca

Thứ sáu, 26/02/2021, 19:00 PM

Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, nhiều nước như Thái Lan, Philippines và Myanmar đã phê duyệt sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca, trong đó Myanmar đã tiêm chủng vaccine này cho nhóm đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế và tình nguyện viên.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt ở nhiều nước Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt ở nhiều nước Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Lưu ý của WHO về vaccine của AstraZeneca

Ngày 15.2, Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp 2 phiên bản của vaccine COVID-19 do AstraZeneca/Oxford phát triển. Hai phiên bản vaccine này do AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ, sản xuất.

Việc được WHO phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO đồng nghĩa với việc chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine đã được tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc chấp thuận, và là điều kiện tiên quyết để vaccine cung cấp cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX. Việc WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp cũng cho phép các quốc gia xúc tiến phê duyệt vaccine này theo quy định của từng nước để nhập khẩu và quản lý vaccine. Hai phiên bản vaccine COVID-19 của AstraZeneca/Oxford đã được WHO đánh giá toàn diện trong khoảng 4 tuần.

Về đối tượng nên tiêm vaccine trước, SAGE khuyến nghị khi nguồn cung còn hạn chế nên ưu tiên cho các nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi, trong đó có những người từ 65 tuổi trở lên. Việc tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca cũng được khuyến khích dành cho những người có bệnh nền được xác định là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng, gồm béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và tiểu đường.

SAGE cho biết, có thể tiêm vaccine cho phụ nữ đang cho con bú nếu họ thuộc nhóm được ưu tiên được tiêm chủng. WHO không khuyến nghị ngừng cho con bú sau khi tiêm chủng. Về liều lượng khuyến nghị, vaccine COVID-19 của AstraZeneca cần tiêm bắp 2 liều (mỗi liều 0,5ml) với khoảng cách từ 8 đến 12 tuần. Vaccine COVID-19 được đánh giá là phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản dễ dàng.

Tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á

Ngày 24.2, hơn 117.000 liều vaccine của AstraZeneca đã về sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu trong tháng 2 đã về Việt Nam sớm hơn dự kiến ban đầu.

Theo Bloomberg, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan, Philippines và Myanmar phê duyệt sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca vào tháng 1.2021 và Myanmar đã bắt đầu tiêm chủng vaccine này ngay trong tháng 1 cho nhóm đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế và tình nguyện viên.

Vaccine mà Myanmar dùng để triển khai tiêm chủng là vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển được Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

Chia sẻ sau khi tiêm vaccine, nhân viên y tế Myo Thet Naing tại Trung tâm Ayeyarwady ở Yangon, nơi được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến có 1.000 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nói rằng, chưa có khiếu nại nào về tác dụng phụ của vaccine. "Cho tới nay không có gì cả. Tất cả đều cảm thấy ổn" - Naing nói.

“Tôi cảm thấy rất hài lòng và hạnh phúc” - Htet Aung Lin, tình nguyện viên 19 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca tại trung tâm Ayeyarwady, chia sẻ.

Tính đến nay, ít nhất hơn 100.000 nhân viên y tế và tình nguyện viên của Myanmar đã được tiêm phòng vaccine của AstraZeneca. Ngoài thỏa thuận với AstraZeneca đã ký, Myanmar cũng dự kiến nhập vaccine của Trung Quốc vào đầu năm 2021 và nhận được vaccine theo cơ chế COVAX trước ngày 7.4.

.Indonesia là quốc gia sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á nhận được lô vaccine Sinovac của Trung Quốc vào tháng 12, trong khi Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 chính thức, với việc tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer, Mỹ, cho nhân viên y tế vào ngày 30.12.

Thái Lan chấp nhận vaccine đầu tiên cho sử dụng khẩn cấp là vaccine của AstraZeneca từ ngày 21.1. Nước này cũng đã đặt hàng vaccine Sinovac và Johnson & Johnson.

Malaysia đã bảo đảm 12,8 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX và trực tiếp, đủ để tiêm chủng cho 20% dân số của đất nước. Quốc gia này cũng bảo đảm 25 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech, đủ để tiêm cho 39% dân số. Malaysia đã ký các thỏa thuận mua 12 triệu liều Sinovac của Trung Quốc và 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.

Philippines ký hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine Covovax từ Viện Huyết thanh Ấn Độ và 17 triệu liều từ AstraZeneca.

Singapore đã dành khoảng 750 triệu USD mua vaccine của Moderna, Pfizer và Sinovac. Nước này bắt đầu tiêm chủng vào ngày 30.12.2020 và đến nay hơn 175.000 người được tiêm liều đầu tiên...