Mắt cửa Hội An

Chủ nhật, 26/01/2020, 19:54 PM

Đa số các mắt cửa đều chạm hình âm dương lưỡng cực, các vạch bát quái. Hoạ tiết trang trí bên ngoài có thể đơn giản là một hình bát giác, hoặc cầu kỳ hơn là tám cánh hoa cúc. Có những đôi mắt cửa được chạm hình 5 con dơi

 

 

Mắt cửa Hội An

Mắt cửa được coi là 1 biểu tượng văn hoá du lịch đặc sắc của vùng đất phổ cổ này, cũng là 1 biểu tượng đời sống tâm linh của con người Hội An.

Người Việt Nam xưa nay đã quen với hình ảnh mắt thuyền. Là 1 nước có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bờ biển dài nên từ xưa, loại hình giao thông phổ biến là đường thuỷ. Các phương tiện ghe thuyền được xem là bạn, đặc biệt là đối với thương nhân và ngư phủ. Họ xem chúng có linh hồn như con người. Vì vậy mà có tục vẽ mắt thuyền, với niềm tin mãnh liệt rằng: "con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thuỷ quái làm hại, giúp cho ngư phủ tìm được nơi nhiều cá, giúp cho bạn hàng tìm được bến bờ nhiều tài lộc..." (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam - t.213). Tuy nhiên, mắt cửa thì không phải ở đâu cũng có. Nó dường như đã trở thành dấu ấn riêng, rất riêng của những ngôi nhà cổ Hội An, của mảnh đất Hội An.

Mắt cửa được làm bằng gỗ tròn, có đường kính khoảng 20cm, dày 8 - 10cm, được đặt trên các khung cửa chính thành từng cặp đối xứng ở hai bên phải trái, thể hiện rõ nét tư tưởng âm dương của người phương Đông. Đuôi mắt có tác dụng như một cái bản lề, được kéo xuyên qua xà ngang giúp cho cánh cửa có thể đóng mở dễ dàng. Các con mắt cửa được chạm khắc rất tinh xảo.

Ở Hội An hiện nay có gần 30 loại mắt cửa với các kiểu chạm khắc khác nhau. Song đa số các mắt cửa đều chạm hình âm dương lưỡng cực, các vạch bát quái. Hoạ tiết trang trí bên ngoài có thể đơn giản là một hình bát giác, hoặc cầu kỳ hơn là tám cánh hoa cúc. Có những đôi mắt cửa được chạm hình 5 con dơi (Theo quan niệm Trung Hoa: trong tiếng Hán, chữ "dơi" phát âm giống chữ "Phúc". Người Trung Hoa quan niệm hạnh phúc trọn vẹn phải là hạnh phúc được tạo thành từ "ngũ tứ" của loài dơi (Trường sinh thọ, Phong phú lộc, Kiện khang minh, Du bảo đức, Khảo chung mệnh), cho nên 5 hình tượng con dơi tượng trưng cho "ngũ phúc lâm môn"), cũng có những cửa là hình vuông hay hình chữ Thọ. Ở Hội quán Phúc Kiến, mắt cửa có hình đôi Rồng chầu mặt trời và đôi Giao long chầu mặt trăng; ở miếu Quan Công mắt cửa lại có hình mặt hổ phù...

Con mắt cửa Hội An còn được trang trí bằng lụa điều treo rủ. Hình ảnh này làm cho ngôi nhà trở nên sang trọng, đồng thời lại như có nét cổ kính. Theo người dân ở đây cho biết: trước kia cứ khoảng nửa năm hoặc nhiều nhất là 1 năm chủ nhà sẽ hạ tấm vải điều xuống giặt hoặc thay để thay đổi thần sắc, sinh khí cho ngôi nhà. Nhưng hiện nay vì phục vụ khách tham quan du lịch nên người ta ít hạ vải điều xuống hơn.

Đến với phố cổ Hội An, điều khiến du khách ấn tượng và cảm thấy ám ảnh chính là những con mắt cửa. Những đôi mắt ấy như có hồn, đăm đắm nhìn theo du khách, lưu luyến níu bước chân, khiến cho người ta có cảm giác như là "tìm về chứ không phải đi đến". Hai con mắt cửa chính là điểm nhấn kiến trúc của những ngôi nhà Hội An.

 

 

Không chỉ là một phần trong trang trí kiến trúc, mắt cửa Hội An còn là một nét văn hoá đặc sắc trong tâm linh của con người đô thị cổ này. Hai con mắt cửa được người Hội An coi như hai ông thần đề giữ cửa và trừ tà. Họ thường thắp hương thờ cúng các ông thần. Hơn nữa, hai con mắt không chỉ là linh hồn của ngôi nhà mà còn để phân biệt người qua lại xem đó là người chính hay kẻ tà, người tốt hay kẻ xấu. Nó giống như gương bát quái, gương chiếu tà thường được treo ở trước cửa những ngôi nhà miền Bắc.

Về nguồn gốc của những đôi mắt cửa này, có người cho rằng những ngư dân, những thương nhân thường đi thuyền lâu ngày, tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền, khi lên bờ đã vẽ mắt cho ngôi nhà của mình. Về sau, họ không vẽ nữa mà làm bằng gỗ vừa đẹp vừa bền hơn. Cứ thế lâu dần, họ truyền cho nhau, trở thành tập quán ở đây - ấy là làm cửa phải có mắt. Cũng có quan niệm lại cho rằng mắt cửa được du nhập từ Trung Quốc khi các thương nhân của họ sang đây giao thương, buôn bán. Đây là biến thể từ tay nắm cửa của người Trung Quốc xưa...

Dù là bắt đầu từ đâu, những đôi mắt cửa đã được người Hội An làm thành của riêng mình, mang theo ý niệm tâm linh và niềm tin của mình; và trở thành dấu ấn những ngôi nhà của mình - nhà cổ Hội An. Những con mắt cứ dõi theo, để bước chân người chủ nhà khi ra đi mau quay về, để khách đến rồi vương vấn mãi không muốn rời...