#METOO và làng báo: Chuyện chỉ mới bắt đầu?

Thứ sáu, 20/04/2018, 10:39 AM

Sự việc gần đây khi một nhà báo của tờ Tuổi Trẻ bị tạm đình chỉ để điều tra đã dấy lên phong trào #METOO trong làng báo và đặt câu hỏi liệu câu chuyện lạm dụng tình dục có chỉ dừng lại ở giới showbiz hay không?

metoo-va-lang-bao-chuyen-chi-moi-bat-dau
Lạm dụng tình dục trong môi trường công sở luôn là một cơn sóng ngầm. Ảnh minh họa

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một nữ cộng tác viên báo Tuổi trẻ nhập viện vì bị một người làm việc tại tòa soạn báo này sàm sỡ, tối 19/4, trên website của báo Tuổi Trẻ đã có thông cáo chính thức về vụ việc này.

Tuổi Trẻ cho biết: “Để xác minh những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội và một số báo điện tử liên quan đến nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa), trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ, Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ đã tiến hành kiểm tra theo quy trình nội bộ, trực tiếp trao đổi với những người có liên quan và nhân chứng về việc này.

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy thông tin một cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ tự tử là không chính xác. 

Cộng tác viên này nhập viện từ tối 18/4 vì lý do sức khỏe và đã xuất viện trong sáng 19/4”.

Câu chuyện của nhà báo Anh Thoa có thực hay không vẫn còn cần một quá trình xác minh và chờ đợi sự công bố từ phía nội bộ báo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, khởi nguồn câu chuyện trên facebook đã rộ lên phong trào #METOO trong làng báo, cho thấy câu chuyện lạm dụng tình dục còn tồn tại ở môi trường công sở chứ không chỉ dừng lại trong giới showbiz.

#METOO vốn là phong trào được khởi xướng bởi nữ diễn viên Hollywood Alyssa Milano. Mọi chuyện bắt đầu từ vụ bê bối lạm dụng tình dục của nhà sản xuất phim kỳ cựu Harvey Weinstein khi ông này liên quan tới hàng loạt vụ tố cáo của các diễn viên nổi tiếng Hollywood.

Ngày 15/10, nữ diễn viên phim Phép thuật Alyssa Milano đăng một dòng "tweet" (dòng trạng thái trên Twitter) với nội dung: "Một người bạn đã đề nghị tôi thế này, nếu tất cả phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục cùng đăng trạng thái #METOO, chúng ta có thể khiến cho mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này".

"Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục, hãy phản hồi dòng tweet này bằng #METOO, Alyssa viết tiếp.

Sau khi dòng tweet được đăng tải, rất nhiều phụ nữ, có cả người nổi tiếng, đã đồng loạt phản hồi bằng cụm từ #METOO và chia sẻ chuyện của mình.

metoo-va-lang-bao-chuyen-chi-moi-bat-dau
Phong trào #METOO lan rộng trên thế giới.

Phong trào này được lan rộng bắt đầu từ hoạt động mặc váy đen tại các sự kiện đình đám của giới Hollywood cũng như khắp nơi trên thế giới. Một trong những quốc gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong trào này chính là Hàn Quốc.  Dưới sự khích lệ của phong trào, hàng loạt vụ bê bối lạm dụng tình dục ở showbiz Hàn Quốc cũng bị bung ra, khiến rất nhiều nam diễn viên nổi tiếng của nước này đứng trước sự trả giá vô cùng đắt, sự nghiệp ra đi, danh tiếng bị hủy hoại.

Ở showbiz Việt Nam, #METOO vốn cũng được nhen nhóm, tuy nhiên, hầu hết những câu chuyện được chia sẻ của các sao Việt chỉ được kể lại một cách ẩn danh, các đối tượng lạm dụng tình dục vẫn hoàn toàn chưa bị công khai. Nó cho thấy một sự hưởng ứng khá yếu ớt đối với phong trào này.

Những tưởng #METOO chỉ dừng lại ở giới giải trí và ngôi sao, cho đến khi câu chuyện của nhà báo Anh Thoa bùng phát và lan rộng trên mạng xã hội. Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, cần làm gì để #METOO có thể là phong trào bảo vệ phụ nữ Việt Nam giữa những cám dỗ trong môi trường công sở, trong đó có môi trường báo chí?

Vốn những sinh viên, thực tập sinh báo chí thường sẽ được một người có kinh nghiệm trong tờ báo hướng dẫn, kèm cặp. Điều kiện làm việc tiếp xúc thường xuyên sẽ dẫn đến những hoàn cảnh tréo ngoe để vấn nạn lạm dụng tình dục có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Phụ nữ sẽ luôn là người yếu thế trong những hoàn cảnh như vậy. Dưới áp lực ảnh hưởng tới công việc hiện tại, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, nhiều người đã phải im lặng và chịu đựng nỗi nhục nhã của việc bị “đàn anh”, cấp trên lạm dụng tình dục mà không dám nói với bất cứ ai. Lâu dần, nó trở thành những đợt sóng ngầm ai cũng thấy, ai cũng hiểu nhưng không ai dám lên tiếng.

Sau câu chuyện của nhà báo Anh Thoa, bắt đầu đã có những chia sẻ mạnh mẽ hơn của những phụ nữ làm trong môi trường báo chí. Như N.G – phóng viên, chia sẻ trên tài khoản facebook cho biết, chị hiểu rõ như thế nào là cảm giác bị quấy rối và nghe người xung quanh chỉ trích mình.

N.G chia sẻ: “Hơn ai hết em hiểu cảm giác bị quấy rối, rồi lại nghe một người bạn thân thiết của mình trách móc "tại mày có vẻ thoải mái". Trời! Em thoải mái vì em là người vui vẻ, chứ không phải em muốn bị sờ đùi.

Em không hèn nhát. Em đã hét lên quá nhiều lần, nói với tất cả những người xung quanh em, chửi thẳng mặt những thằng cha như thế này quá nhiều lần. Em chẳng cần nghĩ sâu xa, sợ bị đánh giá, hay ậm ừ vì lợi ích của bất cứ ai. Thế nhưng em vẫn sợ. Tất nhiên. Định kiến về nữ phóng viên quá nhiều. Rằng chúng em sẵn sàng trao đổi vì một vị trí, một nguồn tin, một lợi ích”. Theo N.G, tham vọng làm nghề thì ai cũng có, nhưng không có cô gái nào là dơ bẩn, tồi tệ hay "nghĩ quá" khi muốn bảo vệ bản thân và nhân phẩm.

Đặt trong nhiều trường hợp, tiếng nói phản ứng của phụ nữ trước những vụ lạm dụng tình dục không được nhiều người xung quanh ủng hộ. Đôi khi, nạn nhân còn bị chính đồng nghiệp và người thân xung quanh đánh giá là cố tình xảy ra chuyện đó để có được bước tiến thuận lợi hơn trong con đường sự nghiệp.

Không ít phụ nữ vốn từng có tâm huyết với nghề báo đã câm lặng ra đi, tìm cho mình một hướng rẽ khác bởi đã không được bảo vệ trước sự tấn công về thể xác ngay trong môi trường công tác. Đó có lẽ là cách phản ứng duy nhất mà họ có thể làm được trước sự nguy hiểm từ chính đồng nghiệp, cấp trên của mình. Và đó cũng là bi kịch cho một xã hội đang thiếu tiếng nói bảo vệ phụ nữ trong môi trường công sở.

Với mỗi chị em, điều trước hết để bảo vệ mình trước việc bị lạm dụng tình dục nơi làm việc là phải dám lên tiếng và có thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với bất kỳ hành động chớm nở nào. Nếu chấp nhận để sự dễ dãi ban đầu phát triển, chị em sẽ phải hối hận khi câu chuyện đi quá xa và mình không thể kiểm soát được. 

#METOO cần được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa trong làng báo nói riêng cũng như trong môi trường công sở nói chung. Sự phát triển của mạng xã hội cho phép chị em có phương tiện để bảo vệ mình. Cái xấu sẽ nhanh chóng bị phát giác, phát tán. Chỉ có như thế, các cơ chế pháp luật bảo vệ được chị em mới có thể vào cuộc, trả lại cho chị em tiếng nói công bằng và một môi trường làm việc bình đẳng hơn – nơi mọi thứ phải được thể hiện bằng năng lực chuyên môn chứ không phải bởi dục vọng của một số người có quyền hành.

 
 

Báo Tuổi trẻ tạm đình chỉ Trưởng phòng Truyền hình nghi sàm sỡ CTV

Báo Tuổi trẻ đã tiến hành tạm đình chỉ công việc của Trưởng phòng Truyền hình nhằm xác minh thông tin lan truyền trên mạng xã hội về nghi vấn sàm sỡ khiến một CTV phải nhập viện.