Chuyên gia nói gì về chủ trương mở rộng đô thị Huế?

Thứ ba, 29/10/2019, 10:38 AM

Việc mở rộng đô thị Huế là chủ trương rất đúng đắn trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó Huế là một đô thị quan trọng, hiện đang phát triển nhanh và rất mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển đô thị và phát triển kinh tế.

mo-rong-do-thi-hue-la-chu-truong-rat-dung-dan
Phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển TP Huế tầm nhìn 2020 - 2030 với 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (2020 - 2025), xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP Huế hiện hữu; thị xã Hương Thủy (các xã: Thủy Vân, Thủy Bằng); thị xã Hương Trà (các phường, xã: Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong) và huyện Phú Vang (các xã, thị trấn: Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh), với quy mô khoảng 267km2.

Trong khi đó, giai đoạn 2 (2025 - 2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án qui hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và qui hoạch chung TP Huế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có qui mô khoảng 348 km2, bao gồm TP Huế mở rộng có quy mô 267km2 (theo mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương theo Điều 5 của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà.

Nói về vấn đề này, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quốc tế về thiết kế và tư vấn chiến lược cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển đô thị Huế đến năm 2030, từ 70km2 hiện hữu lên 348km2 với 2 giai đoạn.

mo-rong-do-thi-hue-la-chu-truong-rat-dung-dan
Đô thị Huế có thể được mở rộng gấp 5 lần.

Việc mở rộng đô thị Huế là chủ trương rất đúng đắn trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó Huế là một đô thị quan trọng, hiện đang phát triển nhanh và rất mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển đô thị và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tỉnh cần được tư vấn với tầm nhìn sâu và rộng, để tạo nên một định hướng phát triển mới, mở ra vận hội mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế, với tầm nhìn xa, không chỉ cho 30 năm, mà phải hàng trăm năm, đi kèm với kế hoạch thực hiện quy hoạch, cho các giai đoạn ngắn và dài hạn 5 năm, 10 năm, vài chục năm sau mà không phải lo lắng các chương trình phát triển có thể gây hại cho nhau, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho phát triển kinh tế và phát triển đô thị.  

KTS Sơn còn gợi ý, những định hướng chiến lược, với cách nhìn mới, tầm nhìn trăm năm cho việc mở rộng và phát triển đô thị và vùng nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế với các yêu cầu và mục tiêu cũng như hàng loạt câu hỏi chiến lược: Phát triển, mở rộng Huế và các địa phương khác trong tỉnh như thế nào? Hướng nào sẽ có thể là hướng chủ đạo trong trăm năm tới? Làm sao bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn được giá trị thiên nhiên và môi trường sinh thái của Huế? Bảo tồn và phát triển các giá trị đô thị di sản, đô thị đáng sống, đô thị thông minh… như thế nào? Làm sao thu hút nguồn đầu tư cho các dự án và hạ tầng trọng điểm trong quá trình phát triển?...

Còn TS Trần Du Lịch, thành viên Ban điều phối duyên hải miền Trung cho hay, Huế không nên triển khai việc này quá sớm theo hướng "gộp các xã, phường xung quanh vào". Trước hết, tỉnh nên lập quy hoạch phát triển đô thị vùng phụ cận và gắn vùng phụ cận với không gian TP Huế.

mo-rong-do-thi-hue-la-chu-truong-rat-dung-dan
Bản đồ không gian phát triển đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025.

Ông Lịch nói: "Mở rộng không gian đô thị khác với mở rộng địa giới hành chính. TP Quy Nhơn không mở rộng địa giới hành chính, song đã quy hoạch phát triển mở rộng không gian đô thị các vùng phụ cận”.

Cũng theo ông Lịch, việc mở rộng không gian đô thị vùng phụ cận sẽ giúp giải phóng áp lực dân số và cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm. Với TP Huế, để giữ bản sắc khu vực "lõi", càng phải mở rộng không gian đô thị. Huế nổi tiếng là một thành phố thơ mộng, có rất nhiều nhà vườn. Mở rộng không gian TP Huế là cách để chống bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên ở khu vực trung tâm.

Tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng, quy hoạch Thừa Thiên Huế phải dựa trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản và văn hóa; lịch sử, cảnh quan tự nhiên và con người Huế.

Hiện nay, không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, quy định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Căn cứ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014, mục tiêu, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là đáp ứng được các mục tiêu cụ thể, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại song song với việc giữ gìn các yếu tố cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm nằm trên các địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà nên việc phát triển đô thị Huế không chỉ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước mà còn tạo cơ hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc trên địa bàn tỉnh.