Mobile Money là gì? Cách sử dụng và thanh toán Mobile Money

Thứ hai, 15/03/2021, 11:28 AM

Hiện nay đã có 3 nhà mạng lớn được phép thí điểm làm Mobile Money. Mobile Money là gì? hướng dẫn cách sử dụng và thanh toán Mobile Money sẽ có trong bài viết này.

Mobile Money là gì? Cách sử dụng và thanh toán Mobile Money

Mobile Money là gì? Cách sử dụng và thanh toán Mobile Money

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 316 cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money trong 2 năm. Việc này nhằm tăng cường việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Mobile Money là gì? Cách sử dụng và thanh toán Mobile Money như thế nào?

Mobile Money là gì?

Hiểu một cách đơn giản, Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Có nghĩa là đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (theo Quyết định Thủ tướng vừa ban hành là các nhà mạng viễn thông) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.

Tiền trong tài khoản Mobile Money gắn với SIM và không yêu cầu tài khoản ngân hàng, tuy nhiên tiền này sẽ phải tách biệt với tài khoản viễn thông, bởi tài khoản viễn thông thường có thêm khoản khuyến mại, nếu sử dụng chung sẽ không đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi tỷ lệ 1:1.

Khi muốn có tiền trong tài khoản Mobile Money, khách hàng cần nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản gắn với số SIM tương ứng. Người dùng sẽ không được trả lãi với số dư trong tài khoản Mobile Money, và cũng không thể quy đổi số dư trong tài khoản viễn thông sang tài khoản này.

Cách đăng ký mở tài khoản Mobile Money?

Không phải ai có SIM cũng có thể thanh toán Mobile Money, người dùng chỉ thanh toán được khi đăng ký sử dụng Mobile Money. Để mở tài khoản Mobile Money, người dùng cần phải đạt một số yêu cầu sau:

Số Chứng minh Nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động.

Thuê bao này phải được doanh nghiệp viễn thông định danh, xác thực theo quy định của Chính phủ.

Thuê bao phải hoạt động ít nhất trong vòng 3 tháng, tính tới thời điểm đăng ký.

Mỗi người dùng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money.

Thanh toán, cách nạp, cách rút tiền từ tài khoản Mobile Money như thế nào?

Có 3 cách để người dùng có thể nạp tiền, rút tiền từ tài khoản Mobile Money:

Tại điểm giao dịch của nhà mạng.

Từ tài khoản ngân hàng.

Ví điện tử của chính nhà mạng.

Sau đó, người dùng có thể dùng tiền trong tài khoản Mobile Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở những đơn vị chấp nhận loại tiền này. Tiện lợi hơn nữa, là người dùng có thể chuyển tiền từ tài khoản Mobile Money này sang tài khoản Mobile Money khác, rút tiền về tài khoản ngân hàng và ví điện tử do nhà mạng cung cấp.

Những đơn vị nào được cung cấp Mobile Money?

Theo Quyết định, doanh nghiệp thí điểm cung cấp Mobile Money phải đồng thời có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện và giấy phép trung gian thanh toán ví điện tử.

Tính tới thời điểm hiện tại thì có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia thí điểm là Viettel, VNPT và Mobifone. Mobifone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hôm 9/3.

Hy vọng, qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về Mobile Money, các lợi ích mà Mobile Money mang lại, điều kiện đăng ký dịch vụ Mobile Money và cách sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Mobile Money khác gì Ví điện tử?

Ví điện tử là một tài khoản điện tử thường được tích hợp vào ứng dụng điện thoại. Người dùng có thể sử dụng ví điện tử để thanh toán tại các điểm chấp nhận ví điện tử đó (cả online và offline). Ví điện tử thường sẽ được liên kết với 1 tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ngân hàng.

Còn Mobile Money cũng là một tài khoản điện tử nhưng được mở dựa trên thuê bao di động. Người dân không cần phải có tài khoản ngân hàng, vẫn có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ tiền điện tử này, với điều kiện duy nhất là sở hữu SIM chính chủ còn hoạt động.

Tuy nhiên, hạn mức giao dịch hàng tháng đối với Mobile Money mới chỉ ở mức 10 triệu đồng, trong khi ví điện tử thì được phép thanh toán tới 100 triệu đồng/tháng.